Ảnh: Dũng Minh

Ảnh: Dũng Minh

Sóng dài cổ phiếu ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Nếu như năm 2020 là giai đoạn tạo sóng của các ngân hàng nhỏ với câu chuyện chuyển sàn thì năm 2021 được dự báo là thời của các ngân hàng lớn.

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục được khuyến nghị

Nhiều khuyến nghị từ môi giới vẫn đang đưa nhóm cổ phiếu ngân hàng vào cơ hội đầu tư tháng 12 và cho cả năm 2021, với cơ sở nhìn nhận ngành ngân hàng được hưởng lợi rất rõ từ môi trường lãi suất thấp và rủi ro nợ xấu đang ở mức thấp hơn so với kỳ vọng do khả năng kiểm soát dịch nhanh chóng của Việt Nam.

13 ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của SSI Research (chiếm 27,4% vốn hóa HOSE) đã ghi nhận kết quả kinh doanh đáng khích lệ trong quý III/2020 với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 29.700 tỷ đồng (tăng 6,6% so với cùng kỳ).

Nếu loại trừ mức sụt giảm 21% lợi nhuậ trước thuế của VCB, lợi nhuận trước thuế của nhóm ngân hàng trong quý III đã tăng 14,7% so với cùng kỳ nhờ tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng mạnh và đà tăng của chi phí dự phòng và chi phí hoạt động chậm lại.

Đáng chú ý, có diễn biến trái chiều về mức trích lập dự phòng giữa các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần khi VCB và CTG có mức trích lập dự phòng tăng từ 35 - 39% thì ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lại giảm 10,7% so với cùng kỳ.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, triển vọng chung của ngành ngân hàng tốt hơn so với ước tính trước đây do ít bị ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ 2 của dịch Covid-19 nên SSI nâng đánh giá lên khả quan đối với ngành trong năm 2021.

Triển vọng và các thông tin liên quan đến cổ tức bằng cổ phiếu sẽ hỗ trợ tăng giá của cổ phiếu ngân hàng trong quý IV/2020, qua đó cũng sẽ tác động tích cực lên thị trường chung.

Triển vọng chung của ngành ngân hàng tốt hơn so với ước tính trước đây do ít bị ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ 2 của dịch Covid-19 nên SSI nâng đánh giá lên khả quan đối với ngành trong năm 2021

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán SSI

Theo ông Quản Trọng Thành, Trưởng phòng Nghiên cứu Phân tích, Khối Khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng, đến nay, định giá của các cổ phiếu ngân hàng mới quay lại mức đầu năm, tức vẫn ở mức hợp lý.

So với trong khu vực thì vẫn rẻ, bởi các ngân hàng trong khu vực do áp dụng các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về an toàn tài chính nên tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ khoảng 9 - 11%, nhưng vẫn đang có mức giá 1,2 - 1,4 lần giá trị sổ sách.

Trong khi đó, thị giá của các cổ phiếu như MBB, TCB… chỉ tương đương 1 lần giá trị sổ sách của cổ phiếu, trong khi ROE 16 - 20%.

Triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2021 vẫn là tiếp tục phục hồi, lợi nhuận ngành ngân hàng nửa cuối năm sau dự báo vẫn tốt hơn, nên định giá vẫn hấp dẫn.

Tuy nhiên, trong nhiều tình huống, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, lợi nhuận có khi chỉ đóng góp khoảng 30% vào đà tăng của cổ phiếu.

Vậy nhóm cổ phiếu ngân hàng có gì cho năm tới?

Ông Thành cho rằng, các ngân hàng lớn có kế hoạch tăng vốn như VCB, BID, hay CTG. Một số ngân hàng mới niêm yết, LPB, sắp tới là OCB… cũng cần tăng vốn. Việc tăng vốn giúp sự chú ý của thị trường với nhóm ngân hàng được duy trì. Thứ hai, các ngân hàng cũng có khả năng tăng lợi nhuận tốt hơn.

“Năm qua, các ngân hàng nhỏ với câu chuyện chuyển sàn, năm sau là câu chuyện của các ngân hàng lớn”, ông Thành nói.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS) đánh giá các thông tin tốt về cổ phiếu ngân hàng đã phản ánh đầy đủ vào giá ở thời điểm này.

Trong ngắn hạn có thể chững lại một chút, có thể điều chỉnh nhưng là để tiếp tục xu hướng đi lên, điều chỉnh là cơ hội đầu tư tốt.

Năm 2021, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có thể tiếp tục nắm giữ nhờ sự hồi phục của nền kinh tế, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn. Trong đó, các cổ phiếu có câu chuyện tăng vốn sẽ thu hút được dòng tiền.

Chọn lọc cơ hội

Ngoài các ngân hàng có kế hoạch tăng vốn kể trên, ông Thành khuyến nghị, các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động như TCB, hoặc tiến hành các thương vụ bán tài sản như VPB bán FE Credit, SHB bán SHB finance cũng sẽ thu hút được dòng tiền.

Ngoài ra, MBKE cũng đưa khuyến nghị với ACB, cổ phiếu vừa chuyển sàn niêm yết sang HOSE với phiên giao dịch đầu tiên có thanh khoản 24,2 triệu cổ phiếu khớp lệnh – khối lượng giao dịch cao thứ hai trên sàn HOSE, tương đương 687,8 tỷ đồng.

Như vậy, trong kỳ xem xét bán niên ở năm sau của các quỹ hoán đổi chỉ số, ACB sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn đủ thời gian niêm yết 6 tháng ở HOSE để được thêm vào các rổ chỉ số như VN30, VNDiamond, VNFinlead...

Các quỹ ETF sẽ cho phép khối ngoại gián tiếp đầu tư, vì vậy, kỳ vọng thanh khoản và động lực tăng giá cho ACB tiếp tục gia tăng.

Ngoài ra, MBKE đánh giá ACB là ngân hàng tập trung nhiều nhất vào khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (92% tổng dư nợ) và là một trong 5 ngân hàng khu vực tư nhân lớn nhất; thận trọng trong việc phân bổ tài sản, kiểm soát chất lượng tài sản.

ACB duy trì mức cân xứng giữa hệ số an toàn vốn và ROE. Mục đích của ngân hàng duy trì mức ROE trên 20%.

Ngoài ra, thỏa thuận bán chéo bảo hiểm độc quyền với Sun Life tốt hơn kỳ vọng, với phí độc quyền trả trước gần 370 triệu USD. Điều này sẽ giúp ACB duy trì tăng trưởng thu nhập phí mạnh trong năm 2021 và sau đó.

Tiềm năng có lợi nhuận bất thường từ việc khôi phục tài sản có vấn đề tồn đọng và bán công ty con, ACBS. Theo đó, kỳ vọng định giá của ACB có thể quay lại quanh mức P/B 1,8 lần trong năm 2021.

SSI cũng đưa ra khuyến nghị với 3 cổ phiếu ngân hàng gồm CTG, MBB, TCB.

Cụ thể, với CTG, ngân hàng đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục để trả cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2017 và 2018 với tổng tỷ lệ gần 28,8%.

Cổ tức ước tính thanh toán vào tháng 12/2020, hoặc chậm nhất là quý I/2021. CTG sẽ tuân thủ theo CAR Basel II (Thông tư 41) sau khi tăng vốn.

Bên cạnh đó, Nghị định 121 đã tạo tiền đề cho CTG tăng vốn cấp 1 nhờ bổ sung các ngân hàng thương mại nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ vào danh sách được Nhà nước bổ sung vốn.

Do đó, ngay cả khi giới hạn sở hữu nhà nước không thay đổi, CTG vẫn có khả năng phát hành vốn mới cho nhà đầu tư

SSI đánh giá, Nhà nước có thể giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 65%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến với dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 58/2016/QĐ-TTg dự kiến ban hành năm 2021, trong đó ngành ngân hàng được chuyển từ nhóm "Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ" sang "Nhà nước nắm giữ từ 50% đến dưới 65% vốn điều lệ".

Bà Phương cho rằng, CTG xứng đáng được định giá lại. Cùng với cánh cửa tăng vốn đang rộng mở, CTG cũng đã xử lý hết trái phiếu VAMC trong năm 2020 và lĩnh vực ngân hàng cũng đang được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp.

Với MBB, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao và liên tục tăng trong những quý gần đây (lên mức 37,7%), lãi suất tiền gửi giảm, cho vay bán lẻ phục hồi và đẩy mạnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có lợi suất cao đã giúp biên lãi suất (NIM) quý III/2020 tăng thêm 44 điểm phần trăm so với quý trước đó.

SSI ước tính NIM bình quân 2021 sẽ tăng lên mức 5,04% từ 4,97% của 9 tháng năm 2020. Lợi nhuận 2021 kỳ vọng đạt 11.700 tỷ đồng (+17% so với cùng kỳ).

TCB cũng được xem là ngân hàng hưởng lợi nhiều nhất trong môi trường lãi suất thấp. TCB vượt xa các ngân hàng khác trong việc phân phối các sản phẩm đầu tư đến khách hàng cá nhân mà tiêu biểu nhất là trái phiếu chính phủ và chứng chỉ quỹ trái phiếu.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp khiến nhu cầu đầu tư trái phiếu tăng mạnh, với kho hàng lớn (trái phiếu doanh nghiệp chiếm tới gần 15% tổng tài sản sinh lãi của TCB) và hệ thống phân phối hiệu quả, thu nhập phí của TCB đã tăng tới 80% so với cùng kỳ trong quý III/2020 và dự kiến sẽ tiếp tục khả quan.

SSI ước tính lợi nhuận 2020 và 2021 của TCB là 14.600 tỷ đồng và 15.300 tỷ đồng, tăng lần lượt 13,4% và 8,6% so với cùng kỳ.

Theo quan điểm của ông Lê Khánh Tùng, Chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán MB (MBS), xu thế chung năm sau của cổ phiếu ngân hàng vẫn là tăng. Các ngân hàng lớn như VCB, BID, CTG, MBB… sẽ dẫn sóng, ít nhất trong nửa đầu năm 2021.

Các ngân hàng quốc doanh trong đợt dịch bệnh trích lập nhiều chi phí, “chạy chậm lại”, dự báo năm sau sẽ tốt hơn.

Ngoài ra, còn chất xúc tác là đầu tư công, các đơn vị chủ đầu tư có thể vay vốn nước ngoài, vốn nhà nước, và vay ngân hàng thì tập trung ở các ngân hàng quốc doanh như BIG, CTG, VCB – cũng là động lực cho các ngân hàng này năm sau.

Đầu tư công kéo dài vài năm nên là cơ sở cho xu hướng tăng tốt. Ngoài ra, đầu tư công còn tác động đầu tư gián tiếp, các doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia cung cấp vật liệu xây dựng, có thể họ cũng có kế hoạch vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, giúp các ngân hàng tăng trưởng tín dụng.

Tin bài liên quan