Dòng tiền chớp cơ hội
Một số cổ phiếu tăng giá mạnh trong tuần qua như SCR của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, TTF của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, HAX của Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh, DRH của Công ty cổ phần DRH Holdings…
Theo phân tích của nhóm môi giới tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhà đầu tư không nên mua đuổi giá và cân nhắc bán ngay khi đà tăng bắt đầu yếu đi, bởi đây là nhóm cổ phiếu thường không tăng dài và không thể dẫn dắt xu hướng của thị trường. Kinh nghiệm cho thấy, nhóm cổ phiếu này chỉ vùng lên trong một thời gian ngắn, sau đó lùi bước, nhường chỗ cho các cổ phiếu khác chất lượng hơn.
Điểm chung của các cổ phiếu nói trên là phục hồi từ mức giá rất thấp trong vòng 2 năm trở lại đây.
Nói nôm na, ở mức giá thấp đó không có hàng để bán, bởi những nhà đầu tư muốn bán cắt lỗ đã bán rồi và những người đang nắm giữ cổ phiếu không có động cơ bán cắt lỗ mà chỉ bán hòa vốn khi có nhu cầu cơ cấu danh mục.
Vì thế, khi không có hàng giá rẻ hơn thì nguồn tiền bắt đầu đổ vào các cổ phiếu này với kỳ vọng giá tăng trở lại để tương xứng với mặt bằng chung của thị trường.
Đây là dòng tiền bắt đáy trong ngắn hạn, thiếu vắng các thông tin chính thức về sự chuyển biến trong hoạt động của doanh nghiệp là lý do dòng tiền mau chóng rời bỏ các cổ phiếu này.
Trung tâm nghiên cứu thị trường, Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS) cho biết, cổ phiếu ASM của Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai, IDI của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I, OGC của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương,
SCR của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, GTN của Công ty cổ phần GTNfoods, HQC của Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân, AMD của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD… thu hút mạnh dòng tiền, nhưng sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trong nhóm cổ phiếu này, thể hiện tâm lý đầu tư ngắn hạn của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, một số mã định giá theo P/E ở mức khá hấp dẫn từ 5 - 7 lần và có một khoảng thời gian tích lũy, nay bắt đầu tăng giá trở lại như KSB của Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương, VSC của Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam, CVT của Công ty cổ phần CMC...
“Cặp đôi” HAG - HNG không như kỳ vọng
Nhìn vào giao dịch của cổ phiếu Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) gần đây có thể thấy, nhà đầu tư ngày càng cẩn trọng với những cổ phiếu tăng giá chỉ nhờ kỳ vọng vào tương lai xa của doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư đã mua cổ phiếu HAG ở mức giá 7.000 đồng/cổ phiếu, sau khi tăng từ vùng đáy 5.000 đồng/cổ phiếu.
Mức tăng của HAG còn khiêm tốn so với cổ phiếu công ty con là Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), giá tăng từ mức 10 “chấm” lên 17 - 18 “chấm”. Theo lập luận của thị trường, khi HNG tăng giá, HAG sẽ tăng theo.
Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu đã không diễn ra theo lập luận này. Dòng tiền không đổ xô vào cổ phiếu HAG, một cổ phiếu có câu chuyện về một doanh nghiệp trên bờ phá sản có khả năng phục hồi. Hiện giá cổ phiếu HAG dao động quanh 6.000 đồng/cổ phiếu.
Nhà đầu tư đề cao mục tiêu quản lý rủi ro
Theo các chuyên gia chứng khoán, xu thế bùng nổ của các cổ phiếu đã yếu đi cả về dòng tiền và quãng thời gian bùng nổ. Lý do là nhà đầu tư đang đề cao mục tiêu quản lý rủi ro khi thị trường thế giới có nhiều biến động.
Dòng tiền tập trung lựa chọn các cổ phiếu vốn hóa lớn, hoạt động cơ bản và tăng trưởng. Ngoài ra, thị trường chứng khoán phái sinh đang ngày càng thu hút nhà đầu tư, với lợi thế tỷ lệ đòn bẩy cao, dễ đoán xu hướng, mua bán trong ngày và ít có nguy cơ bị “lái” giá.
Xu thế này dự báo sẽ tiếp diễn trong thời gian tới và mức độ phân hóa giữa các cổ phiếu ngày càng cao.