Sông băng trên đỉnh núi ở New Zealand chuyển màu bất thường. Ảnh: Liz Carlson.
Nhiếp ảnh gia Liz Carlson chụp ảnh phong cảnh khi ngồi trên trực thăng bay qua công viên quốc gia núi Aspiring, đảo Nam, New Zealand, Science Alert hôm nay đưa tin. Cô cho rằng sông băng có màu sắc khác thường do những vụ cháy rừng nghiêm trọng tại Australia vài tháng gần đây.
"Thật kinh ngạc khi chứng kiến ảnh hưởng của cháy rừng ở nơi xa như thế này. Các sông băng đang bị đe dọa. Biến đổi khí hậu gây ra hậu quả nghiêm trọng là sự thật mà chúng ta không thể phớt lờ", Carlson nhận xét.
Lớp vật chất đỏ phủ trên sông băng. Ảnh: Liz Carlson.
Giới chuyên gia chưa rõ nguyên nhân chính xác khiến các sông băng này chuyển đỏ. Chris Brandolino, nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Nước và Khí quyển Quốc gia New Zealand (NIWA), cho rằng có thể đây là muội than hoặc vật liệu carbon từ gỗ cháy.
Tuy nhiên, đây cũng có thể chỉ là bụi đất đỏ bị thổi tới từ Australia, một hiện tượng từng xảy ra ở New Zealand.
Lớp đất mặt của Australia giàu oxit sắt nên có màu đỏ. Trong những tháng gần đây, ngoài cháy rừng, Australia còn trải qua một số trận bão bụi mạnh. Tháng trước, một cơn bão bụi khiến bầu trời Mildura, Victoria, chuyển đỏ trong khi nhiệt độ lên tới 40 độ C.
Dù lớp phủ màu đỏ trên đỉnh núi New Zealand là bụi đất, muội than hay một chất hoàn toàn khác, nó vẫn cần sự kết hợp của nhiều yếu tố để vượt qua biển Tasman.
"Đầu tiên, cần có khói hoặc bụi trong không khí. Tiếp theo, hướng gió cũng phải thích hợp. Hai yếu tố trên xảy ra cùng lúc dẫn đến hiện tượng này", Brandolino giải thích. Ông cũng cho rằng nạn cháy rừng nghiêm trọng ở Australia góp phần khiến sông băng chuyển đỏ.
Ảnh chụp của Carlson cho thấy các hệ sinh thái trên Trái Đất kết nối với nhau như thế nào. Ô nhiễm có thể lan đến những khu vực xa xôi nhất. Các hiện tượng thời tiết tự nhiên cũng có thể trở nên dữ dội khi khí hậu Trái Đất thay đổi nhanh chóng.
Biến đổi khí hậu không trực tiếp gây ra cháy rừng. Tuy nhiên, khí hậu ấm lên khiến nạn cháy rừng năm nay ở Australia nghiêm trọng hơn.