Thương hiệu Sơn Hà sẽ chỉ có mặt tại thị trường phía Bắc, còn phía Nam thuộc địa bàn của Sơn Hà Sài Gòn

Thương hiệu Sơn Hà sẽ chỉ có mặt tại thị trường phía Bắc, còn phía Nam thuộc địa bàn của Sơn Hà Sài Gòn

Sơn Hà và cuộc chơi cân não ở nước ngoài

Với quyết định tăng vốn đầu tư cho dự án tại Myanmar, Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà đang nuôi tham vọng lớn trong chiến lược tung quân ra thị trường quốc tế.

Chia thị phần nội cho Sơn Hà Sài Gòn

Sơn Hà vốn là một doanh nghiệp hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp về nước, thiết bị nhà bếp, hàng gia dụng khác và tư liệu sản xuất từ thép không gỉ. Lĩnh vực này đã có một giai đoạn phát triển phi mã khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm tăng nhanh. Song từ khoảng 5 năm trở lại đây, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt khiến việc duy trì tăng trưởng cao ngày càng khó khăn.

Năm 2013, Sơn Hà đã phải chấp nhận tốc độ tăng trưởng âm khi doanh thu thuần sụt từ mức 2.143,5 tỷ đồng năm 2012 xuống còn 1.819,3 tỷ đồng.

Tăng trưởng của Sơn Hà đã bắt đầu phục hồi từ năm 2015, nhưng rõ ràng, những tín hiệu trồi sụt trong thời kỳ trước là lời cảnh báo với đại gia này trong việc duy trì đà tăng trưởng cao.

Không những thế, nội bộ Sơn Hà cũng đang trong giai đoạn chia tách, khi Công ty có chủ trương sẽ giảm dần tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Sơn Hà Sài Gòn. Đồng thời, Sơn Hà và Sơn Hà Sài Gòn sẽ phân chia thị trường khi Sơn Hà chỉ sử dụng thương hiệu Sơn Hà để phát triển tại thị trường phía Bắc, còn phía Nam thuộc địa bàn của Sơn Hà Sài Gòn.

Do phải nhường thương hiệu Sơn Hà cho Sơn Hà Sài Gòn tại thị trường phía Nam, Sơn Hà phải tìm một thương hiệu khác để trụ lại tại thị trường này.

Hồi giữa năm 2017, Sơn Hà đã hoàn tất việc mua lại thương hiệu Trường Tuyền. Đây là thương hiệu thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Trường Tuyền, xuất hiện lần đầu tiên tại thị trường phía Nam vào năm 1992, cũng là thương hiệu bồn nước inox có mặt sớm nhất trên thị trường phía Nam.

Sơn Hà và Sơn Hà Sài Gòn sẽ phân chia thị trường khi Sơn Hà chỉ sử dụng thương hiệu Sơn Hà để phát triển tại thị trường phía Bắc, còn phía Nam thuộc địa bàn của Sơn Hà Sài Gòn.

Ngay sau khi sáp nhập Sơn Hà, Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Trường Tuyền được chuyển tên thành Công ty TNHH một dịch vụ Dịch vụ và Công nghiệp Trường Tuyền - một công ty con thuộc Tập đoàn Sơn Hà.

Thương hiệu Trường Tuyền vẫn được giữ nguyên gắn với các dòng sản phẩm, dịch vụ như: bồn nhựa, chậu rửa inox, máy lọc nước R.O, máy nước nóng năng lượng mặt trời…, trong đó bồn inox Trường Tuyền là sản phẩm mang tính chiến lược.

Tiến quân ra nước ngoài: Bài toán cân não

Trong bối cảnh phải đối mặt với xu hướng bão hòa về nhu cầu, cộng với áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt tại thị trường trong nước, đại gia ngành thép không gỉ phải tìm nhiều giải pháp khác nhau cho việc tạo ra các dư địa tăng trưởng mới và hướng ra nước ngoài là một lời giải.

Sơn Hà đã bắt đầu có những giải pháp hướng tới xuất khẩu mấy năm gần đây. Năm 2016, Sơn Hà xuất khẩu sản phẩm tới 30 quốc gia trên thế giới và đã tiếp cận một số thị trường khó tính như Trung Ðông, Bắc Mỹ, Bắc Âu…, doanh thu từ xuất khẩu chiếm khoảng 11% tổng doanh thu toàn Công ty.

Tuy nhiên, Sơn Hà đang tiếp tục cho thấy công ty này muốn đặt đại bản doanh tại các thị trường được cho là còn nhiều tiềm năng khai phá. Trong đó, Myanmar là bước thử đầu tiên để Sơn Hà tiến ra nước ngoài thông qua con đường đầu tư trực tiếp.

Thực chất, Sơn Hà đã có chủ trương xây dựng nhà máy tại Myanmar từ năm 2015. Theo ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty, thị trường Myanmar khá tương đồng với thị trường Việt Nam hơn 10 năm trước đây. Do đó, nhu cầu tiêu dùng tại quốc gia này cũng sẽ phát triển theo những logic mà Sơn Hà đã thành công tại Việt Nam giai đoạn trước.

Theo chủ trương mới đây của HĐQT, Sơn Hà sẽ dốc vốn đầu tư vào Myanmar nhiều hơn so với kế hoạch ban đầu. Điều này cho thấy, Công ty đang đặt nhiều kỳ vọng hơn vào thị trường còn nhiều hứa hẹn này.

Theo kế hoạch, vốn góp của các nhà đầu tư Việt Nam là 960.000 USD, tương đương 21,6 tỷ đồng Việt Nam. Trong đó, Sơn Hà góp 720.000 USD (tương đương 16,2 tỷ đồng), còn Công ty cổ phần Thương hiệu vàng NCC góp 240.000 USD (tương đương 5,4 tỷ đồng).

Tuy nhiên, theo kế hoạch điều chỉnh, Sơn Hà sẽ tăng vốn góp lên 840.000 USD (tương đương 18,9 tỷ đồng) và đối tác còn lại sẽ giảm vốn góp còn 120.000 USD (tức 2,7 tỷ đồng).

Tin bài liên quan