Ảnh Internet

Ảnh Internet

Sơn Đại Việt: Không dễ "đổi màu"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kế hoạch tăng vốn gấp 7 lần được Sơn Đại Việt thông qua không lâu trước thời điểm đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, theo Luật Chứng khoán mới, việc này không dễ thực hiện.

Ngày 14/1 vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Sơn Đại Việt đã đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HNX với mã chứng khoán DVG.

Công ty có quy mô vốn điều lệ 40 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất sơn các loại và bột bả, kinh doanh hoá chất ngành sơn. Trong các năm gần đây, kết quả kinh doanh của Công ty tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, năm 2019, doanh thu thuần tăng gần 79,6 tỷ đồng (tăng 178,9%), lợi nhuận sau thuế tăng hơn 2,59 tỷ đồng (tăng 22,4%) so với năm 2018.

Ba quý đầu năm 2020, Công ty đạt doanh thu thuần 92,37 tỷ đồng, tăng 51,61% so với cùng kỳ năm 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 3,8 tỷ đồng, tăng 71,15% so với cùng kỳ năm 2019. Mục tiêu của Công ty là trong năm 2020 đạt doanh thu thuần 180 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6 tỷ đồng, lần lượt tăng 30,65% và 59,87% so với năm 2019.

Tỷ trọng lợi nhuận gộp trên doanh thu thuần qua các năm tương đối ổn định ở mức 10 – 12% do giá thành và giá bán của ngành sơn tương đối ổn định trong thời gian qua.

Trong cơ cấu doanh thu của Công ty, chiếm tỷ trọng lớn nhất là hoá chất ngành sơn (78,5% doanh thu thuần năm 2019 và 67,57% doanh thu thuần 9 tháng năm 2020) nhưng đang theo xu hướng giảm.

Sơn thành phẩm gia tăng dần đóng góp trong doanh thu thuần, từ mức 20,8% năm 2019 lên 31,17% trong 9 tháng năm 2020.

Sơn thành phẩm của Công ty là các loại sản phẩm sơn phủ nội thất, sơn ngoại thất, sơn lót kháng kiềm nội thất, sơn lót kháng kiềm ngoại thất. Tuy chỉ chiếm khoảng 15 - 30% tổng doanh thu nhưng đây là mặt hàng mang lại lợi nhuận chủ yếu cho Công ty, do có tỷ suất lợi nhuận lớn.

Một vấn đề đáng chú ý là chi phí chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu doanh thu thuần của Công ty. Tổng chi phí qua các năm 2018 – 2019 và 9 tháng đầu năm 2020 đều chiếm khoảng 96% doanh thu thuần. Trong đó, tổng chi phí năm 2019 là 119,46 tỷ đồng, tăng 78,79% so với năm 2018.

Tại Việt Nam hiện nay có trên 600 nhà sản xuất sơn, trong đó một số thương hiệu sơn trong nước có năng lực sản xuất cao như sơn Kova, sơn Tison. Đặc biệt, hầu hết các hãng sơn lớn của thế giới đều xuất hiện tại Việt Nam khiến cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt.

Để gia tăng sức cạnh tranh, cùng với việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, ngày 16/11/2020, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư để tăng vốn điều lệ lên 280 tỷ đồng, gấp 7 lần vốn điều lệ hiện tại.

Tổng số vốn dự kiến thu được từ việc chào bán riêng lẻ tối đa 240 tỷ đồng; trong đó, 200 tỷ đồng sẽ dùng để đầu tư mua sở hữu các công ty cùng ngành nhằm gia tăng năng lực sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ; 40 tỷ đồng còn lại bổ sung vốn lưu động.

Việc phát hành riêng lẻ của Sơn Đại Việt sẽ phải tuân thủ theo quy định của Luật Chứng khoán sửa đổi, có hiệu lực từ đầu năm 2021.

Tuy nhiên, với những quy định ngặt nghèo hơn về phát hành cũng như việc kiểm soát hồ sơ phát hành chặt chẽ hơn về hồ sơ phát hành của cơ quan quản lý, kế hoạch tăng vốn của Sơn Đại Việt không dễ thực hiện.

Cổ phiếu DVG tăng mạnh nhưng dễ "kẹt hàng"

Ngày 14/1/2021, 4 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Sơn Đại Việt chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã DVG, giá tham chiếu 12.000 đồng/cổ phiếu. Sau phiên tăng trần liên tục, thị giá cổ phiếu này đã đạt 17.300 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản rất thấp.

Tin bài liên quan