Sớm cụ thể hóa Nghị quyết 50-NQ/TƯ về FDI

Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Nghị quyết 50-NQ/TW đã đặt ra rất nhiều định hướng lớn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. “Cần sớm cụ thể hóa Nghị quyết 50-NQ/TW bằng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách để chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc”.
TS. Trần Toàn Thắng

TS. Trần Toàn Thắng

Theo ông, những định hướng nào được coi là lớn, nổi bật trong Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030?

Việt Nam đã có hơn 30 năm thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và đã đạt được rất nhiều thành quả đáng ghi nhận. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội… Tuy nhiên, sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, bây giờ chúng ta mới có định hướng, quan điểm rõ nét được thể hiện cụ thể trong Nghị quyết 50-NQ/TW.

Nghị quyết 50-NQ/TW đặt ra rất nhiều vấn đề, nhưng theo tôi, định hướng lớn nhất, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới là chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Để những định hướng, quan điểm chủ đạo này đi vào cuộc sống, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan phải sớm thể chế bằng các văn bản quy phạm pháp luật, trước mắt, Chính phủ phải sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị.

Trước mắt, cần phải hoàn thiện những văn bản quy phạm pháp luật nào, thưa ông?

Cần phải rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh và cân nhắc xem nên ưu tiên sửa đổi, bổ sung, xây dựng luật nào trước, luật nào sau, vì mỗi năm, Quốc hội chỉ họp 2 lần và chỉ thông qua 10 - 15 luật. Ngay sau khi luật được ban hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành sớm ban hành các văn bản dưới luật để sớm đưa luật vào cuộc sống.

Hệ thống pháp luật được sửa đổi, bổ sung hay ban hành mới phải hướng đến mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài; thu hút đầu tư; bảo hộ và đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư; quản lý, giám sát đầu tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài…

Chỉ khi có luật, Chính phủ, các bộ, ngành mới thể chế được các tiêu chí lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư; cơ chế khuyến khích đối với doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt cam kết; khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, ưu đãi thoả đáng… Đồng thời, xây dựng được hàng rào hạn chế hoặc ngăn chặn nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần vào các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn nhạy cảm vì có liên quan đến an ninh, quốc phòng; luật hóa hoạt động chống chuyển giá để chống trốn thuế, né thuế có hiệu quả.

Thưa ông, hiện tại cũng đã có các quy định về việc hạn chế đầu tư nước ngoài vào các khu vực nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng và chống chuyển giá?

Xu hướng đầu tư nước ngoài trên thế giới đang chuyển dần từ trực tiếp sang gián tiếp thông qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần (mua bán - sáp nhập). Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, như năm 2019, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 38 tỷ USD, thì hoạt động đầu tư gián tiếp thông qua góp vốn, mua cổ phần lên tới 15,5 tỷ USD, tăng 56,4% so với năm 2018.

Nếu với đầu tư trực tiếp, cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có thể quản lý được việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng, thì đầu tư gián tiếp chưa có cơ chế quản lý, ngoài một số ngành nghề như lĩnh vực ngân hàng đang hạn chế nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư quá 49% vốn điều lệ, nhưng mức 49% này sẽ phải nâng dần và tiến tới dỡ bỏ theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.

Ngoài ra, tình trạng né thuế qua chuyển giá hiện mới chỉ được quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và chỉ có thể xử lý được hoạt động chuyển giá đối với dự án đã đi vào hoạt động. Để hoạt động chống chuyển giá, né thuế, trốn thuế có hiệu quả, cần xây dựng luật về chống chuyển giá. Trước khi được luật hóa hoạt động chống chuyển giá, phải có quy định trong luật nào đó để ngăn chặn tình trạng này ngay từ khi nhà đầu tư bắt đầu thực hiện dự án, chứ không để dự án đi vào hoạt động mới tiến hành chống chuyển giá.

Ông có thể chỉ ra, cần phải ưu tiên sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới luật nào trước?

Các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, xây dựng mới liên quan đến kinh doanh, đầu tư trong thời gian gần đây đều nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhưng thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài chưa theo kịp yêu cầu phát triển; chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định; môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn hạn chế; chất lượng, hiệu quả thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài chưa cao. Chính vì vậy, Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên sửa đổi toàn diện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Tin bài liên quan