Đường dẫn vào hầm Đèo Cả, một dự án theo phương thức PPP phát huy hiệu quả rất tốt.
Tập trung nguồn lực, không đầu tư dàn trải
Theo bà Vũ Quỳnh Lê, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) có 10 điểm mới đáng lưu ý. Trong đó, luật này quy định tập trung nguồn lực để thực hiện đầu tư các lĩnh vực nhất định, tránh đầu tư dàn trải, tràn lan, gây rủi ro ở cấp độ quốc gia; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Cụ thể, luật PPP khu biệt 5 lĩnh vực đầu tư gồm: giao thông - vận tải; y tế, giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin; thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý chất thải; lưới điện; nhà máy điện.
Ngoài ra, các dự án PPP được phân loại theo thẩm quyết quyết định chủ trương đầu tư theo 4 cấp: Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương và cơ quan khác; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Quy mô dự án PPP được quy định mức vốn tối thiểu là 200 tỷ đồng ở các địa phương và 100 tỷ đồng ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Tại Hội nghị trực tuyến phổ biến Luật PPP và xin ý kiến thảo luận về Nghị định hướng dẫn chung về PPP và Nghị định hướng dẫn Luật PPP về lựa chọn nhà đầu tư diễn ra ngày 25/8 tại Hà Nội, bà Vũ Quỳnh Lê đưa ra một số đề xuất về lĩnh vực và quy mô đầu tư PPP trên cơ sở tham khảo thông tư của một số bộ đã ban hành hướng dẫn của ngành về PPP. Theo đó, tổng mức đầu tư tối thiểu được đề xuất cho các dự án PPP trong lĩnh vực giao thông là 1.500 tỷ đồng, năng lượng là 2.300 tỷ đồng, hạ tầng xã hội là 100 tỷ đồng, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý chất thải tại đô thị là 1.500 tỷ đồng, còn tại nông thôn là 200 tỷ đồng…
Nhiều ý kiến của các bộ, ngành, địa phương lo ngại tổng vốn đầu tư tối thiểu như trên là “quá sức” với một số nhà đầu tư đang nghiên cứu dự án, nhất là dự án cung cấp nước sạch và xử lý chất thải tại Đà Nẵng, Sơn La, hay Quảng Ninh. Các đại biểu kiến nghị xem xét điều chỉnh lại tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án PPP theo từng lĩnh vực cho sát tình hình thực tế.
Sớm cập nhật vào hồ sơ dự án
Liên quan đến nội dung chuyển tiếp dự án theo Luật PPP, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu khuyến nghị, nếu các hồ sơ mời thầu đang được chuẩn bị và phát hành trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực, nên cập nhật trước các nội dung theo Luật PPP nếu có thể. Đơn cử, điều khoản chuyển tiếp liên quan đến hạn mức vốn theo Luật PPP đã quy định tỷ lệ vốn góp của Nhà nước tham gia dự án PPP tối đa là 50%, thì Nghị định hướng dẫn không thể quy định khác.
Còn đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam, các dự án này đã được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 52/2017/QH14 của Quốc hội, trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực. Do vậy, theo khoản 1, Điều 101, Luật PPP, thì kể cả tỷ lệ vốn góp của Nhà nước trong các dự án này trên 50% thì không cần điều chỉnh, mà vẫn giữ nguyên hạn mức góp vốn.
Về tiến độ soạn thảo 2 nghị định hướng dẫn Luật PPP, đại diện Cục Quản lý đấu thầu cho biết, từ tuần sau, Ban soạn thảo 2 nghị định này và các đơn vị liên quan nhanh chóng bắt tay soạn thảo để 2 nghị định kịp ban hành khi Luật PPP có hiệu lực vào ngày 1/1/2021.
Còn đối với quy định chuyển tiếp dự án, theo nguyên tắc của pháp luật hiện hành cũng như Điều 55, Luật PPP, trong trường hợp Luật PPP và pháp luật liên quan không hoặc chưa có quy định, chúng ta hoàn toàn được đưa các quy định vào hồ sơ mời thầu hoặc nội dung hợp đồng, đảm bảo không trái với pháp luật Việt Nam.
Ông Nguyễn Đăng Trương cho rằng, đây là quy định rất tiến bộ để đảm bảo các dự án PPP khi sử dụng chuyên gia tư vấn thì có những nội dung thuộc khoa học quản lý kinh tế, thông lệ quốc tế… mà thuận lợi cho cả đối tác công và đối tác tư khi thực hiện dự án thì chúng ta hoàn toàn có thể đưa các nội dung đó vào hồ sơ mời thầu hoặc hợp đồng PPP.
Trong trường hợp Luật PPP chưa có hiệu lực mà những nội dung của Luật PPP chưa được quy định trong Nghị định số 63/2014/NĐ-CP hay Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, thì cần sớm đưa các nội dung đó vào để đàm phán hợp đồng dự án, để khi Luật PPP có hiệu lực, dự án có thể tránh được những vướng mắc không đáng có và không phải điều chỉnh hợp đồng.
Về điều kiện đấu thầu quốc tế, ông Nguyễn Đăng Trương cho rằng, việc thực hiện đầu tư theo phương thức PPP là nhằm thu hút tối đa các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, trừ những dự án thuộc điều kiện hạn chế tiếp cận thị trường hoặc hạn chế đầu tư theo pháp luật về đầu tư, hoặc dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh, biên giới, hải đảo và bí mật quốc gia.
Một vấn đề nữa được phía các bộ, ngành và địa phương quan tâm là việc thay đổi chính sách tác động tới hiệu quả dự án PPP, ông Nguyễn Đăng Trương cho biết, hiện nay mới rà soát được một trường hợp thay đổi chính sách là Nghị quyết của Chính phủ. Đây không phải văn bản quy phạm pháp luật, nhưng có thể có những quy định liên quan tới chính sách.
“Chính sách là khái niệm rất rộng, nên rất mong nhận được ý kiến đóng góp làm rõ thế nào là thay đổi chính sách và thay đổi chính sách cần được quy định ở cấp nào”, ông Trương nói.