“Vua” tiền mặt và những DN có tiền mặt nghìn tỷ
Thống kê từ Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp (DN) trong nhóm VN30 (chưa bao gồm nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vốn là những ngành nghề đặc thù “kinh doanh tiền” có số dư tiền và dòng tiền luân chuyển cao) đến cuối năm 2018 cho thấy, hầu hết DN trong nhóm này đang sở hữu các khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi lên đến hàng ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tổng tài sản.
Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) tiếp tục giữ vị trí “vua tiền” trên sàn chứng khoán. Tính đến cuối năm 2018, Công ty có lượng tiền các loại lên đến 28.308 tỷ đồng, tăng 1.229 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương 45,2% tổng tài sản. Số dư tiền khổng lồ đem về cho GAS 1.444 tỷ đồng lãi tiền gửi, đóng góp đáng kể vào 12.355 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (LNST) cả năm 2018.
Tiếp theo, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) cũng có số dư tiền mặt đáng kể với 12.011 tỷ đồng, tăng 1.183 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương 53,7% tổng tài sản. Trong năm đầu về tay ông chủ mới người Thái, hoạt động kinh doanh của SAB tiếp tục đem về 4.543 tỷ đồng lợi nhuận.
Ngoài GAS và SAB, nhiều DN khác sở hữu hàng nghìn tỷ đồng số dư tiền đến cuối năm 2018 như FPT, VIC, MSN, DPM…, chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu tài sản. Ðây là con số đáng mơ ước, nhất là với các DN thường trong cảnh thiếu tiền, phải xoay vòng vay nợ, gọi vốn để bổ sung kinh doanh, đảo nợ hoặc tái đầu tư.
số dư tiền của một số doanh nghiệp nhóm vn30 đến cuối năm 2018 (không bao gồm nhóm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán)
Cách dùng tiền của các “ông lớn”
Hầu hết các DN trong VN30 đều ghi nhận dòng tiền kinh doanh tốt trong năm qua, trở thành nguồn bổ sung quan trọng cho các hoạt động đầu tư và đảm bảo chi trả cổ tức cho cổ đông.
Tại GAS, giá dầu diễn biến thuận lợi giúp Tổng công ty thu về 12.355 tỷ đồng LNST trong 2018, tăng 32,3% so với 2017. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đạt 12.495 tỷ đồng, tương đương mức lợi nhuận thu được.
Tiền thu về dồi dào, nhưng nhu cầu dòng tiền đầu tư vào tài sản giảm 2/3 so với năm 2017 trong khi trả cổ tức chỉ tăng nhẹ 8,3% giúp GAS đẩy mạnh trả nợ vay. Vay nợ ròng trong năm giảm 4.300 tỷ đồng.
Trả cổ tức, gửi ngân hàng và trả nợ vay là những hoạt động tiêu tiền chính tại CTCP Dược Hậu Giang (DHG). Trong khi đó, các DN như DPM, REE, HPG, NVL hay FPT… lại đã đẩy mạnh đáng kể việc vào mua tài sản cố định hay đầu tư góp vốn.
Chẳng hạn, tại CTCP Cơ điện lạnh (REE), Công ty vừa có một năm khá thành công khi thu về 1.885 tỷ đồng LNST, tăng 23,4% so với 2017. Dù các khoản phải thu tăng đột biến khiến dòng tiền hoạt động kinh doanh giảm 90% so với 2017, chỉ còn 96,6 tỷ đồng, nhưng nhờ dòng cổ tức, lãi từ các khoản đầu tư, tiền gửi trên 700 tỷ đồng, mà Công ty vẫn đảm bảo chi trả cổ tức hơn 600 tỷ đồng, tương đương năm 2016 và chi hơn 740 tỷ đồng đầu tư tài sản, mua cổ phần thêm nhiều DN.
Những năm qua, REE được đánh giá đã sử dụng dòng tiền đầu tư khá hiệu quả. Trong bối cảnh các mảng kinh doanh cốt lõi như M&E, Ree Tech ngày càng gặp nhiều khó khăn do thị trường cạnh tranh, biên lợi nhuận giảm, REE đã đẩy mạnh đầu tư vào nhóm ngành tiện ích như điện, nước và phát triển dự án bất động sản mà Công ty có lợi thế.
Chiến lược này không chỉ giúp lợi nhuận của REE duy trì tăng trưởng 2 con số với trên 60% lợi nhuận đóng góp từ các khoản đầu tư, mà còn thu về “tiền tươi thóc thật” đảm bảo trả cổ tức tiền mặt cũng như tái đầu tư.
Tại CTCP Tập đoàn FPT (FPT), tiền chủ yếu được dùng để duy trì chính sách cổ tức ổn định và để tái đầu tư. Năm 2018, FPT duy trì cổ tức tiền mặt tương đương những năm trước ở mức 25%/cổ phiếu, trong khi dòng tiền đầu tư vào tài sản và góp vốn mua cổ phần lên đến hơn 3.163 tỷ đồng, gấp 3 lần 2017.
Tại CTCP Gemadept (GMD), cổ đông đã nhận được mức cổ tức cao nhất từ trước đến nay khi năm 2018, Công ty trả cổ tức tiền mặt tổng cộng lên đến 9.500 đồng/cổ phiếu. Tiền cổ tức chi ra lên đến 2.843 tỷ đồng, gấp 70 lần năm 2017.
Chiều ngược lại, CTD, VIC hay PNJ là một trong số ít những DN có dòng tiền hoạt động kinh doanh âm và phải đẩy mạnh vay nợ, gọi vốn từ cổ đông hay sử dụng nguồn dự trữ những năm trước.
Tại CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC), sau 1 năm mở rộng đầu tư vào hàng loạt lĩnh vực bất động sản, ô tô, xe máy, thương mại điện tử, công nghệ cao…, khiến dòng tiền đầu tư lên đến 57.449 tỷ đồng, số dư tiền và tiền gửi trên báo cáo tài chính của VIC đến cuối năm vẫn còn 15.510 tỷ đồng, tăng 6.700 tỷ đồng so với đầu năm.
Kết quả này chủ yếu đến từ việc Công ty mẹ VIC và các đơn vị thành viên đã vay nợ ròng thêm 45.700 tỷ đồng và huy động thêm 24.901 tỷ đồng vốn góp từ cổ đông trong năm 2018 khi mà dòng tiền hoạt động kinh doanh âm đến 6.514 tỷ đồng.
Với CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), việc các khoản phải thu tăng thêm 2.798 tỷ đồng và hiện chiếm đến 54% tổng tài sản cùng việc mua lại 438 tỷ đồng cổ phiếu quỹ dù chưa khiến CTD phải dùng đến vay nợ, nhưng lượng tiền trong năm qua cũng giảm đến 1.230 tỷ đồng.
Tăng mạnh tồn kho thêm 1.414 tỷ đồng cũng khiến dòng tiền kinh doanh của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) âm hơn 304 tỷ đồng trong 2018. Tính đến cuối năm, tồn kho của PNJ đã chiếm 76% tổng tài sản. Cùng với tăng chi đầu tư cho tài sản cổ định gấp 3 lần 2017. PNJ đã phải tăng vay nợ 673 tỷ đồng và giảm 160 tỷ đồng các khoản tiền gửi.
Kiếm ra tiền đã khó, sử dụng tiền như thế nào cũng là bài toán khó không kém. Rủi ro sẽ lớn nếu Ban lãnh đạo DN dùng tiền đầu tư dàn trải, đầu tư ngoài ngành, dẫn đến thất thoát, mất cân đối tài chính, thậm chí tác động ngược lại đến hoạt động kinh doanh chính, hay bị nghi ngại về tính minh bạch, liêm chính trong kinh doanh. Trường hợp của CTCP thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) là một câu chuyện nên tránh.
Sau khi chào bán 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông thu về 750 tỷ đồng trong tháng 1/2015, Ban điều hành JVC thời đó đã sử dụng để chi trả một số khoản không nằm trong kế hoạch sử dụng vốn được thông qua, thay đổi về mục đích sử dụng cũng không được công bố theo quy định. Sau một năm, số tiền phát hành đã đi hết vào các khoản phải thu, tồn kho, … và được JVC trích lập dự phòng, thua lỗ hơn 1.300 tỷ đồng.
DN dự trữ tiền nhiều hay ít phụ thuộc vào quy mô, đặc thù ngành nghề kinh doanh, đặc biệt là kế hoạch đầu tư, kinh doanh của ban điều hành, khó có chuẩn mực chung để đánh giá mức nào hay tỷ lệ nào là vừa với các DN.
Với nhà đầu tư, khi đánh giá DN, cần nắm rõ việc dòng tiền là yếu tố quan trọng quyết định sức khỏe và triển vọng của DN. DN có số dư tiền tốt, tăng dần qua các quý, các năm đến từ hoạt động kinh doanh, đầu tư, trong khi doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng,sẽ được đánh giá tích cực hơn so với những DN có lợi nhuận tăng trưởng nhưng không thu về dòng tiền, bị chôn vốn, chiếm dụng vốn vào các khoản phải thu hay tồn kho.