"Mục tiêu đưa chăn nuôi là ngành chính, nhưng xuất khẩu còn rất khiêm tốn. Soi kính hiển vi mới nhìn thấy một ít lợn sữa, trứng muối, thịt gà..., dù nước ta là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu", Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Đánh giá về ngành chăn nuôi tại Hội nghị chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 vừa tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 10 năm qua, ngành chăn nuôi có sự phát triển vượt bậc về năng suất, chất lượng. Từ chỗ thiếu thực phẩm, đến nay, ngành chăn nuôi đã đảm bảo đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo dinh dưỡng cho người dân. Bình quân hiện nay, ngành chăn nuôi đảm bảo cung cấp cho mỗi người dân trong một năm khoảng 60 kg thịt, 12 lít sữa, 80 kg cá, 200 kg rau xanh, 200 kg trái cây;…
"Cùng với trồng trọt, chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6-6,5 triệu hộ trong số 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn. Còn nhớ, trước đây kỹ sư ra trường tiêu chuẩn được 4 lạng thịt, cho đến hôm nay chăn nuôi đã có bước tiến vượt bậc, hình thành hệ sinh thái bền vững theo hướng hiện đại", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn còn một số tồn tại. Trong đó, tốc độ phát triển ngành chăn nuôi rất nhanh nhưng mất cân đối, thịt lợn chiếm tới 70% cơ cấu rổ thực phẩm. Trước đây là hợp lý nhưng bây giờ không hợp lý nữa, vì mức thu nhập bình quân người dân từ chỗ chỉ 400 USD/người/năm thì bây giờ tăng lên 3.000 USD/năm, đòi hỏi thực phẩm phải khác trước, tính toán lại.
"Tính toán lại thì phải đảm bảo 3 khâu quan trọng nhất, đó là sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhưng bây giờ chúng ta mới làm được khâu sản xuất, còn chế biến thì lõm bõm lắm. Vẫn chủ yếu là lò giết mổ thủ công, tiêu thụ ở chợ truyền thống, các nhà máy hiện đại chế biến rất ít, kể cả chuỗi gà", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, khâu tổ chức thị trường sản phẩm chăn nuôi cũng còn yếu, tiêu thụ chợ nông thôn là chính, có tăng trưởng nhưng đây đó vẫn xảy ra chuyện giải cứu vì sản xuất tốt nhưng không liền hoàn chuỗi.
"Mục tiêu đưa chăn nuôi là ngành chính, nhưng xuất khẩu còn rất khiêm tốn. Soi kính hiển vi mới nhìn thấy một ít lợn sữa, trứng muối, thịt gà..., dù nước ta là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu", Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Để khắc phục những hạn chế trên, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, cần xây dựng một chiến lược chăn nuôi mới có tầm nhìn xa hơn chiến lược sẽ khắc phục những tồn tại căn cốt, tổ chức lại chăn nuôi, xác định những định hướng lớn cho phát triển, lấy 3 trục: Kinh tế, môi trường, an sinh là hiệu quả bền vững của mục tiêu chăn nuôi.
Dự kiến mục tiêu đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, mức tăng trưởng giá trị sản xuất trung bình đạt từ 4-5%/năm, giai đoạn 2026-2030, trung bình từ 3-4%/năm. Tầm nhìn đến năm 2040, chăn nuôi Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến đến kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm.