So với thời điểm 11/8, có thêm nhiều doanh nghiệp bị đưa ra ý kiến ngoại trừ hoặc từ chối đưa ra kết luận.
Báo cáo tài chính giữa niên độ của CTCP Dược phẩm Trung ương 2 (DP2) đã bị đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra kết luận.
Nguyên nhân là dù dự án “Ðầu tư xây dựng nhà máy Dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP - WHO” đã hoàn thành, đi vào hoạt động từ năm 2014 nhưng một phần chi phí còn lại của dự án với giá trị 7,3 tỷ đồng vẫn được DP2 ghi nhận vào khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang, mà chưa được doanh nghiệp tạm ghi tăng tài sản cố định để trích khấu hao.
DP2 cũng ghi tăng khoản thu nhập khác từ khoản tiền nhận hỗ trợ theo Biên bản thỏa thuận về chuyển nhượng cổ phần tại CTCT Ðầu tư phát triển Bình An của Công ty cho CTCP Ðầu tư tài chính Ðất Việt để xác định kết quả kinh doanh trong các năm từ năm 2010 đến năm 2016 với giá trị là 99,6 tỷ đồng.
Ðến ngày 30/6/2020, kiểm toán vẫn chưa được DP2 cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc hoàn thành thủ tục về chuyển nhượng cổ phần nêu trên.
Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán cũng chưa được cung cấp báo cáo tài chính giữa niên độ của CTCP Ðầu tư phát triển Bình An để làm cơ sở xem xét trích lập dự phòng tổn thất đầu tư.
Trong khi đó, CTCP Gang thép Thái Nguyên (TIS) thì bị Kiểm toán AASC đưa ra kết luận ngoại trừ.
Cụ thể, “Dự án mở rộng gang thép giai đoạn 2” của doanh nghiệp được triển khai từ năm 2007, việc đầu tư dự án đã kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu và hiện vẫn chưa hoàn thành. Tổng chi phí đầu tư dự án tính đến thời điểm 30/6/2020 là 5.504 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay đã vốn hóa là 2.296 tỷ đồng.
Hiện tại, quá trình xử lý các sai phạm, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn để hoàn thành dự án trên vẫn chưa hoàn tất.
Do vậy, kiểm toán không thể xác định được những tổn thất có thể có liên quan đến dự án cũng như ảnh hưởng của vấn đề này đến các chỉ tiêu được trình bày trên báo cáo tài chính bán niên của TIS.
Ngoài một số doanh nghiệp bị kiểm toán từ chối đưa ra kết luận hay bị đưa ra ý kiến ngoại trừ, cũng có một số báo cáo bị đơn vị kiểm toán đưa thêm vấn đề nhấn mạnh.
Chẳng hạn, trên báo cáo của CTCP Dệt may Nha Trang (NTT), Công ty Kiểm toán AFC Việt Nam nhấn mạnh khoản nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 77 tỷ đồng tại ngày 30/6/2020, cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể gây ra nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán này cũng lưu ý, hàng tồn kho bị tổn thất do lũ lụt vào ngày 18/11/2018 được ước tính theo giá trị sổ sách là 2,4 tỷ đồng, thuộc đối tượng được bảo hiểm theo các hợp đồng bảo hiểm do NTT mua. Song, cho đến thời điểm lập báo cáo, phía bảo hiểm vẫn chưa xác định mức độ thiệt hại và giá trị bồi thường về hàng tồn kho nêu trên.
Hay như tại CTCP Vật liệu Xây dựng Bến Tre (VXB), đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, vào ngày 30/6/2020, doanh nghiệp đã được ngân hàng cơ cấu nợ và đã chuyển một phần nợ ngắn hạn sang nợ dài hạn với giá trị 37,5 tỷ đồng, tạo lịch trả nợ ngân hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xâm nhập mặn.
Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 sớm hơn dự kiến, VXB phải thực hiện trả nợ sau 3 tháng kể từ ngày công bố hết dịch.
Ðối với báo cáo của CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP), Kiểm toán VACO lưu ý, QTP đang ghi nhận tạm tăng giá trị tài sản với tổng giá trị tại ngày 30/6/2020 là khoảng 20.387 tỷ đồng, bằng với tại ngày 31/12/2019.
Theo đó, giá trị nguyên giá và khấu hao lũy kế các tài sản tại ngày 30/6/2020 cũng như tại ngày 31/12/2019 sẽ thay đổi và điều chỉnh phù hợp khi có quyết toán được phê duyệt.
Ngoài ra, kiểm toán cũng lưu ý về tài sản tiềm tàng liên quan đến các khoản chênh lệch tỷ giá đã thực hiện của các khoản gốc vay ngoại tệ để phục vụ xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 1 và Nhiệt điện Quảng Ninh 2 của Công ty.