Theo thông tin riêng của baodautu.vn, liên quan đến công tác sơ tuyển nhà đầu tư cho 8 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tính đến ngày 25/12, đã có 3 dự án thành phần đã hoàn thành công tác đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển HSDST và trình kết quả sơ tuyển. 5 dự án còn lại do trong quá trình đánh giá đã phát sinh một số tình huống cần làm rõ HSDST của nhà đầu tư nên dự kiến hoàn thiện công tác đánh giá và trình kết quả sơ tuyển cuối tháng 12/2019, đầu tháng 1/2020.
Trước đó, từ ngày 15/11/2019 đến ngày 18/11/2019, toàn bộ 8 dự án thành phần đã đóng thầu, tổng số nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển (HSDST) tại 8 dự án là 32 nhà đầu tư. Điều đáng nói là ngoài Tập đoàn Đèo Cả, Fecon… các nhà đầu tư nộp HSDST còn lại đều là những cái tên không quá nổi, phần lớn đều xuất thân từ các đơn vị xây lắp hoặc tham gia đầu tư các dự án BOT quy mô dưới 5.000 tỷ đồng nên không thể tham gia với tư cách là nhà đầu tư độc lập.
Các doanh nghiệp lớn từng được dư luận kỳ vọng như Vingroup; SunGroup, Geleximco… đều không tham gia mua hồ sơ mời sơ tuyển.
Theo nhận định của Bộ GTVT, sau khi thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển có thể xảy ra các trường hợp: một số dự án có từ 2 nhà đầu tư trở lên trúng sơ tuyển; một số dự án chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển; một số dự án không có nhà đầu tư trúng sơ tuyển.
Hiên nay Bộ GTVT đã giao các PMU thuộc Bộ GTVT tổ chức thẩm định trong thời gian theo quy định là 30 ngày, dự kiến đến 10/2/2020 hoàn thành công tác thẩm định kết quả sơ tuyển 8 dự án thành phần (đã bao gồm cả thời gian nghỉ Tết âm lịch). Kết quả sơ tuyển sau đó còn phải gửi tới Tổ giám sát liên ngành để xem xét, có ý kiến trong thời gian từ 10 đến 15 ngày làm việc.
Như vậy, trường hợp thuận lợi có thể hoàn thành công tác sơ tuyển 8 dự án PPP thành phần trong tháng 2/2020.
Đối với các dự án có từ 2 nhà đầu tư trở lên trúng sơ tuyển, Bộ GTVT cho biết là sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015; dự kiến hoàn thiện các thủ tục để phát hành HSMT cuối tháng 3/2020.
Đối với các dự án chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Đối với các dự án không có nhà đầu tư trúng sơ tuyển, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ GTVT luôn quan tâm dành cơ hội tham gia vào 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam cho những nhà đầu tư trong nước có năng lực tài chính, kinh nghiệm đáp ứng các tiêu chí mời thầu nhưng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vẫn dự liệu sẵn các phương án cho tình huống không thể lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực cho 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Cụ thể, trong trường hợp có dự án không có nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển, Bộ sẽ khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ có kế hoạch làm việc với Ủy ban thường vụ Quốc hội theo các phương án: sẽ tiếp tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP nhưng sẽ dẫn tới chậm tiến độ; hoặc kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng vốn ngân sách để đầu tư, sau đó bán quyền thu phí cho các doanh nghiệp, lấy tiền để đầu tư tiếp.
Một phương án khác cũng được Bộ GTVT tính tới là phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu công trình để thực hiện các dự án không tìm được nhà đầu tư.
“Đây là dự án trọng điểm quốc gia, vì vậy, chúng tôi hết sức quan tâm tới chất lượng công trình. Toàn bộ 11 dự án thành phần trong đó có 8 dự án PPP đều sẽ phải được thực hiện đúng trình tự thủ tục, đảm bảo chất lượng”, Bộ trưởng Thể cho biết.