Tính 4 chỉ thu được 1
Báo cáo của tỉnh Đắk Nông do Chủ tịch UBND Nguyễn Bốn ký mới đây cho biết, theo kết quả phân tích, tính toán về hiệu quả kinh tế của Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ theo vốn đầu tư điều chỉnh và các quy định về cơ chế chính sách của Nhà nước tại thời điểm tháng 12/2016 được Sở Công thương cung cấp, kể từ năm 2016, năm kế hoạch Nhà máy đi vào hoạt động, tổng số thuế bình quân hàng năm đóng góp cho ngân sách là 437,761 tỷ đồng.
Tuy nhiên trên thực tế, thống kê từ Cục Thuế tỉnh Đắk Nông cho thấy, tổng dự toán thu ngân sách năm 2017 từ Nhà máy chỉ khoảng 107,39 tỷ đồng, thấp hơn so với báo cáo phân tích hiệu quả kinh tế ban đầu hơn 330 tỷ đồng.
Trong quý I/2017, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã sản xuất được trên 247.000 tấn hydroxyt nhôm và 126.000 tấn alumin. Đổng thời, Nhà máy đã xuất khẩu được 16.600 tấn hydroxyt nhôm sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và khoảng 85.000 tấn alumin sang thị trường Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Số nộp ngân sách nhà nước từ Nhà máy là 57,181 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với 23 tỷ đồng; thuế xuất khẩu 13,8 tỷ đồng; phí bảo vệ môi trường 7 tỷ đồng; thuế tài nguyên 6,2 tỷ đồng…
Theo tính toán của tỉnh Đắk Nông, với khả năng đóng góp cho ngân sách như hiện tại và sản phẩm alumin sản xuất ra chỉ để xuất khẩu, thì cả năm 2017, tổng thu các khoản từ Nhà máy Alumin Nhân Cơ chỉ khoảng 150 tỷ đồng. 52% số thu này được đưa về ngân sách trung ương, tức là khoảng 78 tỷ đồng; còn ngân sách địa phương sẽ được hưởng khoảng 72 tỷ đồng. Dĩ nhiên, số dự tính thu được của Alumin Nhân Cơ năm 2017 cũng kém xa so với con số 437,7 tỷ đồng được ước tính khi triển khai dự án.
Nhà máy Alumin Nhân Cơ cùng Tổ hợp Bauxite nhôm Lâm Đồng được đầu tư bởi Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản.
Báo cáo số 3151/BCN-TCNL của Bộ Công thương hồi quý II/2017 cũng có nêu rõ, Dự án Bauxit Tân Rai và Alumin Nhân Cơ là hai dự án lớn với công nghệ mới, rất phức tạp, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, một số chi phí trong vận hành chưa lường trước được, dẫn tới tiến độ dự án kéo dài, làm tăng chi phí so với dự kiến ban đầu.
Tổ hợp Bauxite nhôm Lâm Đồng đi vào vận hành trong tháng 3/2013, theo kế hoạch sẽ lỗ trong 4 năm đầu hoạt động và hiện đã lỗ 3.690 tỷ đồng, cao hơn so với dự kiến. Trong đó, lỗ do hoạt động sản xuất kinh doanh là 2.516 tỷ đồng - vượt xa so với lỗ lũy kế được dự kiến là 1.656 tỷ đồng. Phần còn lại là lỗ do chênh lệch tỷ giá (1.174 tỷ đồng).
Địa phương xin tăng thu
Đối với Dự án Nhà máy Luyện nhôm Đắk Nông do Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân làm chủ đầu tư, do vẫn đang trong quá trình xây dựng, nên trong kế hoạch của năm 2017, Cục Thuế Đắk Nông chỉ được giao nhiệm vụ thu 11 tỷ đồng tiền thuế xây dựng cơ bản.
Theo tính toán của chủ đầu tư đã được Bộ Công thương thẩm định, sau khi đi vào hoạt động ổn định với công suất 450.000 tấn/năm (dự kiến thời điểm năm 2020), tổng giá trị đóng góp cho ngân sách nhà nước của Nhà máy Luyện nhôm Nhôm Đắk Nông, sau khi trừ các khoản được hỗ trợ, là 120 triệu USD, tương đương khoảng 2.700 tỷ đồng (tính theo tỷ giá hiện nay). Trong số này, phần thu từ thuế giá trị gia tăng là 112 triệu USD/năm.
Vào thời điểm năm 2020, tỉnh Đắk Nông dự tính thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 4.500 tỷ đồng/năm, gấp đôi hiện nay. Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cho hay, hiện tại, địa phương chưa được ưu đãi trong cơ chế phân chia các khoản thu từ các dự án alumin - nhôm tại Nhân Cơ, nên rất cần có cơ chế để bổ sung nguồn ngân lực cho ngân sách địa phương.
Cụ thể, UNND tỉnh Đắk Nông đã đề xuất Bộ Tài chính hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương khoản kinh phí tương ứng số thu thuế xuất khẩu ngân sách trung ương được hưởng của Nhà máy Sản xuất Alumin Nhân Cơ. Con số này ước tính năm 2017 và 2018 là 100 tỷ đồng. Một phần số tiền này sẽ được sử dụng vào việc phân vùng thăm dò, khai thác chế biến, sử dụng quặng bauxit.
Ngoài ra, Đắk Nông cũng đề nghị được hưởng 100% các khoản thu ngân sách nhà nước phát sinh từ Dự án Nhà máy Luyện nhôm Đắk Nông trong tổi thiểu 5 năm, kể từ năm đầu tiên dự án có phát sinh các khoản thuế nộp ngân sách nhà nước.