Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang tại buổi họp báo..
Dù đa số ý kiến đại biểu được hỏi ý kiến không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ, nhưng điều đó không có nghĩa là hai dự án luật này sẽ không được trình như hai luật độc lập nữa.
Chiều muộn 17/11, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 10, vừa bế mạc trước đó.
Trong ngày cuối cùng của kỳ họp đa số đại biểu đã không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ, đồng thời cũng cho rằng chưa cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn về việc đó là bước tiến hay bước lùi trong công tác lập pháp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, "không có tiến lùi gì ở đây cả" mà kết quả thăm dò đó thể hiện sự dân chủ của Quốc hội, những vấn đề còn ý kiến khác nhau thì xin ý kiến đại biểu để giữa hai kỳ họp sẽ chỉnh lý dự thảo luật.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh (cơ quan thẩm tra cả ba dự án luật nói trên), ông Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, có tiến, có lùi. Tiến là thái độ của đại biểu tranh luận, thảo luận đi đến thống nhất thể hiện trách nhiệm và cách làm việc đổi mới của Quốc hội.
Ông Hồng cũng cho biết đa số ý kiến đại biểu là căn cứ để Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định có tiếp tục trình các dự án luật nói trên hay không.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cũng cảm thấy tiếc là một số đại biểu Quốc hội chưa bao quát được hết hai Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ.
Tài liệu rất nhiều, có những nội dung đại biểu tiếp cận chưa bao quát toàn bộ các quy định của luật, nên chỉ bàn tách hay không tách, mà chưa quan tâm nhiều đến các quy định khác, ông Hồng nói.
Về số phận của các dự án luật nói trên, ông Giang giải thích, kết quả xin ý kiến là để làm căn cứ để tiếp tục hoàn thiện dự án luật giữa hai kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chủ trì xem xét, nếu thấy rằng sau khi tiếp thu chỉnh lý mà đủ điểu kiện thì vẫn có thể trình, còn trường hợp chưa đủ điều kiện thì Thường vụ hoàn toàn có thể không trìng dự án này ra kỳ họp 11 của Quốc hội.
Còn theo ông Hồng, nếu những vấn đề các vị đại biểu nêu ra mà Chính phủ giải trình được, chỉnh lý tiếp thu được, luật được thông qua thì rất tốt.
"Cá nhân tôi vẫn ủng hộ là tiếp thu, chỉnh lý triệt để nhất để hoàn thiện, thông qua", ông Hồng trả lời báo chí.
Tại kỳ họp này, có một nội dung từ nghe tờ trình đến báo cáo thẩm tra, thảo luận và thông qua nghị quyết Quốc hội đều họp riêng, đó là Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Thông tin từ cuộc họp báo cho biết, Nghị quyết gồm 8 điều nhằm thể chế 2 chính sách cơ bản. Một là, việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh phải bảo đảm phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh là chính; trường hợp sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh. Hai là, quy định xử lý đất quốc phòng, an ninh tại các dự án hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện tại các doanh nghiệp quân đội, công an...
Tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua 7 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến về 4 dự án luật khác.