Số liệu tài chính, tin được đến đâu?

Số liệu tài chính, tin được đến đâu?

(ĐTCK) Báo cáo kiểm toán 2014 của một ngân hàng vừa công bố có nhiều điểm ngoại trừ mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có quy định, báo cáo tài chính của các ngân hàng không được có ngoại trừ.

Có lẽ do những vấn đề rất trọng yếu nên kiểm toán không thể không đưa ra ý kiến ngoại trừ. Quả thực, nếu soi xét kỹ ngân hàng này có những khoản phải thu lên đến vài trăm tỷ đồng, trong khi khả năng thu hồi được gần như vô vọng.

Chưa hết, ngân hàng không trích lập nhiều khoản mà lẽ ra nếu cẩn trọng sẽ phải trích lập dự phòng. Con số cũng lên tới vài trăm tỷ đồng. Nếu tính toán thận trọng, với số tiền phải thu khó khăn như thế, ngân hàng đang lãi sẽ thành lỗ, thậm chí lỗ rất nặng.

Ở một số ngân hàng khác, tuy báo cáo kiểm toán “sạch” nhưng dư luận lại tỏ ra không mấy tin tưởng vào con số tăng trưởng tín dụng lên tới vài chục phần trăm trong năm 2014. Những nghi ngờ về việc có khả năng đây là thủ thuật nhằm đảo nợ được đưa ra.

Trong khối doanh nghiệp, gần đây thông tin về lợi nhuận rất lớn của các doanh nghiệp kinh doanh điện máy, điện tử khiến thị trường xôn xao. Nhóm phân tích của một CTCK kể rằng, họ đã cử người khảo sát tình hình mua bán của một cửa hàng, vốn được coi là có vị trí “đắc địa” ở Hà Nội của DN nọ vào ngày cuối tuần (thời điểm có nhiều người mua sắm).

Dựa trên số liệu khách đến mua bán (có trao đổi thực tế với từng khách hàng sau đó), sau khi trừ đi các chi phí về mặt bằng, nhân công, vận hành… một cách tương đối, nhóm chuyên viên phân tích nọ không thể hiểu vì sao DN lại có lợi nhuận (theo báo cáo) lớn đến vậy.

Mới đây cổ đông của một doanh nghiệp lớn cũng rất bức xúc về việc doanh nghiệp bị kết luận vi phạm quy định về kê khai ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và bị truy thu gần 10 tỷ đồng. Khoản tiền phạt với lãi suất 0,05%/ngày trong thời gian dài lên tới gần 10 tỷ đồng nữa, gây ra thiệt thòi lớn cho DN và các cổ đông.

Ranh giới giữa đúng và sai, thực và ảo trong lĩnh vực tài chính, thật sự đang là ma trận thông tin với nhiều nhà đầu tư. Để từng bước hạn chế những “điểm yếu” này, sẽ có rất nhiều việc cần làm. Ngay trong lĩnh vực dịch vụ kế toán kiểm toán, theo Phó giáo sư Đặng Văn Thanh, mặc dù Bộ Tài chính đã ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn về việc đăng ký hành nghề kế toán, kiểm toán, rất nhiều vi phạm vẫn xảy ra.

 Theo quy định, người không có tên trong danh sách đăng ký hành nghề kế toán được Bộ Tài chính xác nhận thì không được ký vào sổ kế toán (đối với dịch vụ làm kế toán), không được ký vào báo cáo tài chính (đối với dịch vụ lập báo cáo tài chính, dịch vụ làm kế toán trưởng) và không được ký tên lên báo cáo kết quả dịch vụ kế toán.

Nếu phát hiện người cung cấp dịch vụ vi phạm kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp kế toán mà pháp luật nghiêm câos trong quá trình hành nghề thì sẽ xóa tên khỏi danh sách đăng ký hành nghề và không được đăng ký hành nghề kế toán cho năm sau…

Quy định như vậy nhưng thực tế thực hiện vẫn chưa nghiêm, doanh nghiệp do đó vẫn “nhờn thuốc” và có nhiều vi phạm.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi ý thức cung cấp các số liệu chuẩn, chính xác trong một bộ phận doanh nghiệp chưa cao, có lẽ giải pháp tăng cường thanh kiểm tra và công bố công khai các kết luận thanh tra trên báo chí sẽ phần nào giảm thiểu tình trạng này.

Tin bài liên quan