Trung Quốc đầu tư 1,4 nghìn tỷ USD phát triển công nghệ

Trung Quốc đầu tư 1,4 nghìn tỷ USD phát triển công nghệ

(ĐTCK) Theo kế hoạch lớn được đề ra bởi Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 1,4 nghìn tỷ USD trong 6 năm tới, tính tới năm 2025, hướng tới việc cổ vũ các tổ chức công và doanh nghiệp tư nhân lớn thiết lập hệ thống mạng lưới không dây thế hệ thứ năm (5G), lắp đặt camera và cảm biến, phát triển phần mềm trí thông minh nhân tạo (AI)… làm nền móng cho tự động hóa hoạt động sản xuất và giám sát đại chúng quy mô lớn.

Sáng kiến cơ sở hạ tầng mới này được kỳ vọng sẽ tạo lực đẩy cho các doanh nghiệp lớn Trung Quốc, từ Alibaba, Huawei… cho tới SenseTime Group Ltd.

Sự trỗi dậy của các doanh nghiệp nội địa lĩnh vực công nghệ sẽ làm giảm mức độ phụ thuộc của Trung Quốc đối với công nghệ nước ngoài, đồng thời củng cố thêm tầm nhìn của kế hoạch “Made in China 2025”.

Động thái mới này ngay lập tức thu hút sự chú ý cũng như đối diện những ý kiến chỉ trích mạnh từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, mà kết quả đầu tiên là việc Mỹ siết chặt quy định cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cần thiết cho hoạt động của các công ty công nghệ Trung Quốc, điển hình là Huawei.

“Đây là điều chưa từng xảy ra trước đây. Trung Quốc đã triển khai thế cờ nhằm giành phần thắng trong cuộc đua công nghệ toàn cầu. Kể từ năm 2020, dòng tiền đã được chảy mạnh vào lĩnh vực công nghệ Đại lục”, Maria Kwok - giám đốc hoạt động Digital China Holdings chia sẻ.

Nhiều khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ công bố gói tín dụng phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ trị giá 563 tỷ USD năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế Đại lục chịu nhiều tổn hại vì đại dịch Covid-19.

Alibaba và Tencent - 2 doanh nghiệp lớn nhất lĩnh vực điện toán đám mây và phân tích dữ liệu, sẽ trở thành những trụ cột chính, bên cạnh Huawei đã được trao nhiệm vụ phát triển công nghệ 5G.

Những người dẫn đầu ngành công nghệ như Pony Ma và Jack Ma đều tán đồng với chương trình này.

Theo số liệu được công bố từ Trung tâm Thông tin phát triển công nghiệp Trung Quốc, 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,4 nghìn tỷ USD) được dự kiến sử dụng cho tới năm 2025 sẽ tạo nên những doanh nghiệp mũi nhọn công nghệ, nhất là AI và IoT (Internet of Things).

Hiện tại, hơn 20/31 tỉnh của Trung Quốc đã công bố các kế hoạch đầu tư với giá trị hơn 1 nghìn tỷ nhân dân tệ. Đây là dòng vốn mồi xuất phát từ đầu tư công, cũng như các tổ chức đầu tư tư nhân và dự báo sẽ có thêm dòng vốn mới theo sau.

Báo cáo của nhiều tổ chức kinh tế lớn, bao gồm UBS Group AG và H3C ghi nhận sự gia tăng mạnh của nhu cầu xây dựng, thiết lập trung tâm dịch vụ dữ liệu tại các doanh nghiệp internet Trung Quốc.

Trong khi đó, Bain Capital ước tính, cứ 1 USD đầu tư cho trung tâm dữ liệu thì sẽ có 5-10 USD đầu tư đi kèm cho các hoạt động có liên quan, bao gồm mạng lưới, thiết bị điện, công nghệ, thiết bị sản xuất cao cấp.

“Cả một hệ thống các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sẽ được hưởng lợi”, Bain Capital nhận định.

Một nghiên cứu riêng biệt của Morgan Stanley ước tính, sẽ có khoảng 180 tỷ USD đầu tư hạ tầng mới mỗi năm trong 11 năm tới tại Trung Quốc, bao gồm cả hạ tầng giao thông. Con số này cao gấp đôi so với mức trung bình 3 năm qua.

Do đó, các doanh nghiệp bao gồm China Tower Corp, Alibaba, GDS Holdings, Quanta Computer Inc và Advantech Co sẽ được hưởng lợi.

Đáng chú ý, công ty Mỹ khó lòng được chia sẻ niềm vui trong làn sóng đầu tư mạnh mẽ này, thậm chí với một số trường hợp, công việc kinh doanh hiện hữu sẽ biến mất.

Chẳng hạn, đầu năm 2020, gói thầu lớn trị giá 37 tỷ USD của China Mobile đã thuộc về Huawei và các công ty Trung Quốc khác.

Hay Digital China sẽ tham gia dự án điện toán đám mây tại TP. Trường Xuân, gạt bỏ các đối thủ từ Mỹ như IBM, Oracle và EMC, sử dụng công nghệ hoàn toàn nội địa.

Xu hướng này khiến giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc có bước tăng tích cực. Cụ thể, 5/10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay là cổ phiếu thuộc lĩnh vực công nghệ.

Tin bài liên quan