Sự gia tăng thế hệ công dân kỹ thuật số của Việt Nam là cơ hội lớn

Sự gia tăng thế hệ công dân kỹ thuật số của Việt Nam là cơ hội lớn

(ĐTCK) Các chuyên gia tài chính cho rằng, sư gia tăng thế hệ công dân kỹ thuật số của Việt Nam là cơ hội lớn. Đây được xem là tiềm năng để phát triển số hóa tại Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức, an ninh mạng cũng là điều đáng quan tâm tại Việt Nam.

Cơ hội phát triển số hóa

Phát biểu tại hội thảo Công nghệ về Cách mạng Số hóa trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán thời đại 4.0 do HSBC Việt Nam tổ chức chiều 27/11, ông Jason Tan, Đại diện HSBC châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, cách mạng số hóa sẽ tạo ra cơ hội cho người dùng và cả với nhà cung cấp.

Cụ thể, hiện nay, có 31 công ty trung gian thanh toán được cấp phép hoạt động tại Việt Nam; 24 ngân hàng có phương thức thanh toán bằng mã QR; ban điều hành fintech đã được thành lập từ năm 2017; mạng 5G.... 

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có tiềm năng để phát triển số hóa khi có 96,5 triệu dân, trong đó, có 62 triệu tài khoản google; 66,7 triệu người sử dụng internet; 72% sử dụng điện thoại thông minh; 58 triệu tài khoản facebook...  

Cùng quan điểm trên, ông Larry Campbell - đại diện KPMG cho hay, 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có triển vọng lớn để đẩy mạnh công nghệ, số hóa. GDP của các nền kinh tế này và dân số vào khoảng 500 triệu dân, là một thị trường vô cùng to lớn.

Theo ông Larry, khi Trung Quốc nhảy vọt về công nghệ thì các nước Đông Nam Á cũng có nhiều cơ hội, tuy nhiên, để có thể đón nhận được những cơ hội, các nền kinh tế này phải có cái nhìn xa hơn. 

 Dự đoán về cách thức thanh toán trong tương lai, đại diện KPMG đưa ra nhận định, thế giới của các ngân hàng truyền thống đã được thay đổi. Trao đổi về giá trị, giao dịch thương mại phát triển mạnh, tạo ra nhiều cơ hội mới. Vì thế, các ngân hàng phải tạo ra nhiều giải pháp mới để giúp khách hàng và nắm bắt được cơ hội. 

"Hầu hết mọi công dân toàn cầu sẽ có một kỹ thuật số được kích hoạt bằng sinh trách học của riêng mình; Công nghệ thanh toán sẽ làm giảm chi phí tài chính, tăng trải nghiệm xã hội...", ông Larry nói. 

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Quản lý tiền mặt và thanh khoản của HSBC Việt Nam, hiện nay còn thiếu phương thức thanh toán trực tuyến; do lo ngại về an ninh mạng; ít cửa hàng truyền thống; không sử dụng thẻ tín dụng... 90% vẫn được thanh toán bằng tiền mặt. 

Khi Trung Quốc nhảy vọt về công nghệ thì các nước Đông Nam Á cũng có nhiều cơ hội

Vì thế, theo bà Hạnh, việc đưa ra một giải pháp công nghệ đa kênh có thể giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc thanh toán vượt trội..., đồng thời, có thể giúp khách hàng cá nhân không tốn nhiều thời gian để chờ đợi được thanh toán đơn hàng. 

Theo các nhà phân tích tài chính, Việt Nam đang là giai đoạn đầu của quá trình phát triển về phương thức thanh toán bằng số hóa và công nghệ, song có tiềm năng tăng trưởng rất lớn. 

Thách thức rủi ro bảo mật

Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội và triển vọng trong phát triển số hóa, thanh toán bằng các phương thức dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại cũng có những thách thức, trong đó, an ninh mạng là điều được giới phân tích tài chính đánh giá rất đáng quan tâm tại thị trường Việt Nam.

Về an ninh mạng, có hai khía cạnh nguy hiểm đó là thu nhập thông tin trái phép; vi phạm bảo mật thông tin; vi phạm dữ liệu tấn công leo thang đặc quyền; vi phạm dữ liệu phát tán và tấn công bằng mã độc; vi phạm dữ liệu tấn công từ chối dịch vụ. Theo thống kê, có đến 4.770 cuộc tấn công mạng tại Việt Nam trong quý I/2019. 

Ông Larry Campbell - đại diện KPMG cho rằng, dân số ở Việt Nam trẻ hóa, đẩy sự phát triển về mặt ứng dụng công nghệ. Đồng thời, những công ty như Fintech, ngân hàng cũng sẽ phải phát triển rất nhanh.

Theo ông Larry, nhu cầu gia tăng ngày càng mạnh mẽ hơn để đáp ứng nhu cầu số hóa, thay thế dịch vụ truyền thống, tuy nhiên, con người vẫn là mấu chốt quan trọng nhất trong phát triển số hóa. Vì vậy, khi nói đến an ninh mạng, logictic hay bất cứ lĩnh vực nào thì giáo dục con người là rất quan trọng.

 Thách thức lớn nhất trong hoạt động của ngân hàng khi số hóa ngày càng phát triển đó chính là vấn đề an ninh mạng nên với ngành ngân hàng luôn đặt an toàn, bảo mật trong thanh toán. 

TS Đinh Bá Tiến, Phó tổng giám đốc Payoo cho biết, bản thân Payoo bắt đầu hoạt động từ 2008-2009. Payoo là công ty đầu tiên tại Việt Nam xin phép được hoạt động trong lĩnh vực fintech. Nhưng đến nay, theo báo cáo của NHNN đã có hàng trăm công ty Fintech đang hoạt động, trong đó có hơn 30 công ty fintech được cấp phép hoạt động. Hiện cũng có nhiều nhà đầu tư mang muốn phát triển dịch vụ thanh toán.

Finetch cũng thu hút nguồn vốn lớn từ bên ngoài vào Việt Nam. “Chúng tôi hy vọng trong vòng 3-5 năm tới, fintech sẽ phát triển mạnh hơn”, ông Tiến nói. 

Tuy nhiên, theo ông Tiến, đổi mới, sáng tạo giúp chúng ta rất nhiều trong giáo dục con người. Nếu không có đổi mới sáng tạo đứng sau hậu trường thì chúng ta không thể xử lý được khối lượng lớn giao dịch, thanh toán.

Tin bài liên quan