Quản lý chặt đối với thương mại điện tử

Doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam năm 2019 đạt khoảng 2,84 tỷ USD, tăng trên 25% so với năm ngoái. Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, Luật Quản lý thuế năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020) đã có quy định để quản lý thuế chặt chẽ hơn đối với hoạt động TMĐT.
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế).

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế).

 Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới, vì vậy, quản lý thuế đối với lĩnh vực này đang là thách thức đối với ngành thuế, thưa ông?

Quản lý thuế đối với TMĐT trong nước không có vấn đề gì, cơ quan thuế vẫn đang quản lý khá hiệu quả vì đã có hệ thống pháp luật và văn bản hướng dẫn tương đối đồng bộ, đặc biệt là Luật Giao dịch TMĐT năm 2005 và Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT.

Tuy nhiên, các văn bản pháp luật hiện hành về vấn đề này chưa có quy định riêng về TMĐT xuyên biên giới (áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ), nên việc quản lý thuế rất khó khăn. Việc gặp khó khăn trong quản lý thuế đối với TMĐT xuyên biên giới không chỉ là thách thức đối với cơ quan quản lý thuế Việt Nam, mà với rất nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước có nền kinh tế phát triển, nên một số nước đã áp thuế 3% doanh thu đối với những doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh qua mạng mà không hiện diện (đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, công ty con, công ty liên kết) tại nước mình.

Theo ông, ngoài khó khăn chung, Việt Nam đang gặp khó khăn gì trong việc quản lý thuế đối với TMĐT xuyên biên giới?

Hàng hóa, dịch vụ giao dịch xuyên biên giới bao gồm 2 chiều.

Một là hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân trong nước bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Tổ chức, cá nhân trong nước đã đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam như các tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh khác, nên cơ quan thuế đã quản lý được.

Chiều còn lại là hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, không có sự hiện diện tại Việt Nam bán cho tổ chức, cá nhân ở trong nước. Với trường hợp này, do chưa có quy định cụ thể về quản lý đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới, nên cơ quan hải quan vẫn phải quản lý, giám sát, làm các thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu theo hình thức TMĐT như đối với hàng hóa truyền thống, nên mất rất nhiều thời gian, công sức.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng lợi dụng chính sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu truyền thống để trốn thuế khi kinh doanh TMĐT bằng cách gửi hàng vào Việt Nam dưới dạng quà biếu, quà tặng và chia nhỏ gói hàng dưới mức phải nộp các loại thuế, gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường (nếu có).

Một hình thức trốn thuế nữa là người xuất cảnh, nhập cảnh mang hàng hóa vào Việt Nam dưới dạng hàng xách tay, vì theo quy định, hàng xách tay ở ngưỡng nào đó được miễn các loại thuế.

Đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới vào Việt Nam, theo ông, cần phải quản lý thế nào để tránh gian lận thuế, trốn thuế?

Theo Luật Quản lý thuế năm 2019, đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam. Ngân hàng thương mại có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh TMĐT có phát sinh thu nhập từ Việt Nam.

Trong trường hợp người bán hàng nước ngoài không đăng ký, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam, cơ quan thuế sẽ áp dụng biện pháp khấu trừ tại nguồn đối với bên mua hàng ở Việt Nam bằng biện pháp yêu cầu ngân hàng thương mại trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế. Đây là nội dung phức tạp, Chính phủ sẽ quy định cụ thể trước khi Luật Quản lý thuế năm 2019 có hiệu lực (ngày 1/7/2020).

Để chống tình trạng hoạt động TMĐT gian lận thuế bằng cách xé lẻ lô hàng, gửi hàng dưới dạng quà biếu, quà tặng, Bộ Tài chính đang xây dựng Đề án Quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

Quản lý thuế đối với hàng hóa giao dịch TMĐT xuyên biên giới đã khó, quản lý dịch vụ giao dịch TMĐT xuyên biên giới còn khó hơn rất nhiều, thưa ông?

Để quản lý chặt hoạt động trên không gian mạng, trong đó có quản lý thuế đối với TMĐT, Luật An ninh mạng quy định, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam. Doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trên phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Bộ Công an đang xây dựng hướng dẫn cụ thể quy định trên theo hướng: doanh nghiệp cung cấp một trong các dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Khi doanh nghiệp nước ngoài hoạt động TMĐT mở chi nhành hoặc đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam, thì việc quản lý thuế không còn phức tạp nữa.

Thực hiện Luật Quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế sẽ tổ chức khai thác, trao đổi thông tin và hợp tác nghiệp vụ với cơ quan quản lý thuế nước ngoài, các tổ chức quốc tế có liên quan; trao đổi thông tin về người nộp thuế, thông tin về các bên liên kết với cơ quan thuế nước ngoài phục vụ công tác quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết.

Tin bài liên quan