Nhiều ông lớn viễn thông khốn đốn, dự kiến thiệt hại 40 tỷ USD/năm trong 2 năm tới

Nhiều ông lớn viễn thông khốn đốn, dự kiến thiệt hại 40 tỷ USD/năm trong 2 năm tới

Các nhà phân tích trên toàn cầu chỉ ra, với việc hàng loạt sự kiện lớn phải hủy bỏ vì Covid-19, du lịch thế giới “đóng băng”, kinh tế suy thoái… các nhà khai thác viễn thông cũng sẽ bị tác động rất mạnh.

Những năm gần đây, các công ty viễn thông lớn đang chịu áp lực từ nhiều phía vì các ứng dụng nhắn tin OTT đang ảnh hưởng đến doanh thu thoại và SMS, dẫn đến cạnh tranh khốc liệt về giá và giảm tỷ suất lợi nhuận.

Trong bảng xếp hạng 500 thương hiệu hàng đầu thế giới năm 2020 của Brand Finance, chỉ có 36 thương hiệu viễn thông, mà tới 80% thương hiệu bị giảm giá trị.

Tồi tệ hơn, dịch Covid-19 bùng phát càng làm tăng thêm sức ép đối với các nhà khai thác viễn thông. Thay vì tăng lên thì lưu lượng truy cập data di động trên toàn thế giới lại có xu hướng giảm, vì mọi người sử dụng Wi-Fi tại nhà nhiều hơn là dữ liệu di động.

Khi bị cách ly, mọi người cũng có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào các OTT để liên lạc miễn phí, thay vì gọi hay nhắn tin thông thường.

Mặc dù nhiều nhà phân tích tin rằng một khi vượt qua được đại dịch này, viễn thông sẽ là một trong số ít những ngành đứng vững với sự phát triển của cộng nghệ số, thì đó cũng không phải là con đường dễ dàng cho tất cả các doanh nghiệp trên thị trường.

Giá cổ phiếu của các telcos đã được báo cáo giảm và các công ty chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ở Trung Quốc.

Nhiều ông lớn viễn thông khốn đốn, dự kiến thiệt hại 40 tỷ USD/năm trong 2 năm tới ảnh 1

Theo phân tích của Analysys Mason, các nhà khai thác viễn thông dự kiến sẽ chịu sự sụt giảm trung bình 3,4% doanh thu trong năm 2020 do những thách thức xuất phát từ đại dịch Covid-19.

Công ty nghiên cứu này dự báo doanh thu viễn thông trên toàn thế giới sẽ giảm trong năm nay, nhưng lưu ý rằng điều này sẽ là trong ngắn hạn.

Họ dự báo ngành này sẽ phục hồi 0,8% bắt đầu từ năm 2021. Trước khi đại dịch gây ra hậu quả kinh tế, Analysys Mason dự báo tăng trưởng doanh thu viễn thông toàn cầu là 0,7% vào năm 2020.

Analysys Mason cho rằng, các nhà khai thác viễn thông tại các nền kinh tế phát triển có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với dự báo thiệt hại doanh thu lên tới 40 tỷ USD/năm cho năm 2020 và 2021.

Một công ty nghiên cứu khác, Juniper Research dự đoán, các hạn chế đi lại nghiêm ngặt trọng do đại dịch Covid-19 sẽ dẫn đến doanh thu chuyển vùng của ngành viễn thông giảm tới 25 tỷ USD trong 9 tháng tới.

Cụ thể, hơn một nửa doanh thu chuyển vùng của tất cả các nhà khai thác trong năm 2020 sẽ bị ảnh hưởng, với khoản lỗ lên tới 12 tỷ USD tính riêng trong giai đoạn du lịch quốc tế thường cao điểm (giữa tháng 6 và tháng 8).

Dưới đây là ước tính thiệt hại của một số telcos hàng đầu:

AT&T

Nhiều ông lớn viễn thông khốn đốn, dự kiến thiệt hại 40 tỷ USD/năm trong 2 năm tới ảnh 2

AT&T báo cáo đã không đạt mục tiêu doanh thu và thu nhập trong quý 1/2020, với mức giảm lên tới 4,6%. Đại dịch Covid-19 đã làm AT&T giảm tới 433 triệu USD thu nhập (doanh thu giảm 600 triệu USD), chủ yếu do quảng cáo liên quan đến các sự kiện thể thao giảm. Công ty này ngay từ tháng trước đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng đại dịch Covid-19 có thể có tác động lớn đến hoạt động kinh doanh.

Deutsche Telekom

Công ty này đã tuyên bố sẽ phải đóng cửa các cửa hàng tại Đức trong tháng 3, cho đến khi có thông báo mới. Nhà điều hành viễn thông Đức cho biết, trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19, họ sẽ ngừng bán hàng và dịch vụ tại khoảng 500 cửa hàng trên toàn quốc. Họ cũng tạm thời đóng cửa tất cả các cửa hàng tại Hà Lan và 80% các cửa hàng ở Mỹ.

Verizon Communications

Đối thủ của AT&T cho biết trong báo cáo kết quả quý 1 rằng lợi nhuận của khách hàng doanh nghiệp không đủ để bù đắp cho sự suy giảm từ phía người tiêu dùng. Với hàng chục triệu người thất nghiệp, nền kinh tế bế tắc và hầu hết người Mỹ phải cách ly tại nhà, hoạt động kinh doanh tiêu dùng cốt lõi của Verizon đang gặp khó khăn.

Trong 3 tháng đầu năm, Verizon đã mất 68.000 thuê bao điện thoại trả sau, con số mất thuê bao này nghiêm trọng hơn 54% so với cùng kỳ năm 2019. Verizon cũng đã phải đóng cửa các cửa hàng của mình. Gần 70% các điểm bán lẻ của họ đã bị đóng cửa.

Telenor

Công ty này đã cảnh báo sự bất ổn xung quanh tình hình Covid-19 có thể sẽ ảnh hưởng đến tài chính của họ trong năm 2020, mặc dù nhà điều hành đã cố gắng vượt qua các tác động của đại dịch trong ngắn hạn.

Trong một tuyên bố, CEO Sigve Brekke cho biết công ty bắt đầu thấy tác động từ sự lây lan toàn cầu của cuộc khủng hoảng, ảnh hưởng đến hiệu suất của họ từ cuối tháng 3, khi họ gặp phải tình huống phong tỏa ở nhiều thị trường.

Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến doanh thu chuyển vùng và thị trường trả trước châu Á. Những hiệu ứng này đang tiếp tục vào quý 2, Brekke nói.

Tin bài liên quan