Doanh nghiệp Việt loay hoay với chuyển đổi số

Doanh nghiệp Việt loay hoay với chuyển đổi số

(ĐTCK) Tham gia vào sản xuất thông minh là xu hướng tất yếu, nhưng không ít doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang loay hoay với câu hỏi sản xuất thông minh là gì, phải bắt đầu từ đâu.

70 - 80% doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng

Tại Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hiệp hội Tự động hóa Việt Nam nêu lên vấn đề mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang trăn trở hiện nay.

Đó là: Tại sao phải sản xuất thông minh và sản xuất thông minh như thế nào, bắt đầu từ đâu?

Theo ông Quân, sản xuất thông minh là xu hướng tất yếu của thế giới. Cốt lõi của sản xuất thông minh chính là chuyển đổi số để một ngày làm việc có thể phát triển bằng mấy chục năm cộng lại dựa trên công nghệ hiện đại.

“Các ngành sản xuất phải thay đổi để bắt kịp xu hướng với công nghệ cao, thông minh hóa để thay đổi hiệu quả hoạt động theo hướng năng suất tăng, chất lượng tăng, cạnh tranh tăng, hiệu quả tăng, tiết kệm nhiên liệu, chi phí nhân công, cạnh tranh được nâng hơn trên trường quốc tế. Đặc biệt, ở những môi trường độc hại nguy hiểm, robot thông minh sẽ giúp con người được giải quyết để bảo vệ sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần”, ông Quân nói.

Dẫu vậy, ông Quân cũng thừa nhận thực tế là, Việt Nam mới ở trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 (điện khí hóa), đang tiệm cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 (tự động hóa) và chưa sẵn sàng với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (thông minh hóa).

Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với khu vực, trình độ công nghệ cũng còn hạn chế, trong khi nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp mới qua đào tạo có tỷ lệ dưới 30%, lại thiếu chuyên gia trình độ cao.

Chuyển đổi số là “cuộc chơi” tốn kém, bởi phải đầu tư cho công nghệ và con người. Đặt trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp Việt Nam ở quy mô vừa và nhỏ nên quá trình chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn.

Hiện có đến 70 - 80% doanh nghiệp chưa chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp còn đang lúng túng trong lựa chọn công nghệ cho chuyển đổi số, bởi nếu chọn công nghệ lạc hậu sẽ dễ gặp phải thất bại.

Là doanh nghiệp lớn, nhưng Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (RAL), theo chia sẻ của ông Nguyễn Đoàn Thăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi số.

Để hướng tới xây dựng nhà máy sản xuất thông minh, cần có một kho dữ liệu lớn, nhưng với Rạng Đông, ông Thăng cho biết, qua 60 năm hoạt động, Công ty có nhiều dữ liệu nhưng không khai thác, phân tích được.

Xu thế không thể đảo ngược

Để chuyển đổi số, theo ông Quân, trước mắt, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng cơ sở dữ liệu cho hoạt động doanh nghiệp từ nhân lực, tổ chức, nguyên liệu đầu vào, thị trường…; đồng thời, lựa chọn công nghệ số để tích hợp tất cả công đoạn sản xuất và khai thác, điều khiển bởi công nghệ thông minh, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Đức Hậu, Tổng giám đốc Adavantech, trong nhà máy có ba trụ cột liên quan đến chuyển đổi số gồm: kỹ thuật, công nghệ sản xuất, công nghệ thông tin.

Có ba yếu tố này mới thực hiện được chuyển đổi số và các doanh nghiệp Việt Nam luôn cần có nhà tư vấn hỗ trợ để giải quyết bài toán sản xuất thông minh, bởi mỗi ngành nghề có một đặc thù sản xuất khác nhau.

Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí hơn trong sản xuất và sử dụng nhiên liệu.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp trên thế giới lựa chọn xây dựng nhà máy thông minh. Ông Raimund Klein, Trưởng phòng Công nghiệp kỹ thuật số, Siemens Đông Nam Á chia sẻ, chuyển đổi số sẽ giúp nhiều nhà máy rút ngắn 50% thời gian sản xuất và tăng chất lượng lên 25%; đồng thời công nghệ giúp họ tiên lượng được sự cố có thể xảy ra.

Một công ty của Mỹ đã tiết kiệm 53 triệu USD nhờ nâng cao năng lực sản xuất dưới sự hỗ trợ tích cực của công nghệ số. Một doanh nghiệp chăn nuôi đã lắp đặt cảm biến theo dõi hoạt động của cá, biết chính xác khi nào cá đói, nhờ đó đã tiết kiệm được thức ăn vì cho ăn đúng thời điểm.

“Cuộc chơi” của các ông lớn

Tới thăm quan Nhà máy Coca - Cola Việt Nam tại Hà Nội, người viết không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh tượng các băng chuyền chạy liên tục được điều hành bởi hệ thống tự động hóa và robot. Trong nhà máy rộng mênh mông, chỉ khoảng 10 công nhân, kỹ sư làm việc.

Việc đóng hàng hoàn toàn tự động, các kiện hàng theo băng chuyền đi về nhà kho. Hệ thống kho cũng được ứng dụng công nghệ thông minh, xuất nhập hàng tự động cùng hệ thống quản lý vận tải tích hợp hệ thống định vị toàn cầu.

Bà Phạm Thị Hương, Giám đốc Công ty cổ phần Chế tạo máy Autotech cho hay, với khu vực doanh nghiệp trong nước, hiện mới chỉ có những doanh nghiệp lớn như Thaco, Vinfast, Vinamilk, Tân Hiệp Phát… xây dựng được nhà máy sản xuất thông minh.

Năm 2017, Thaco khởi công xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô Thaco Mazda với kinh phí lên đến 12.000 tỷ đồng tại Quảng Nam.

Nhà máy áp dụng hệ điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động toàn nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị, từ đặt hàng cho đến sản xuất. Doanh nghiệp này đã áp dụng phương thức sản xuất thông minh.

Tổ hợp sản xuất ô tô của Vinfast tại khu kinh tế Cát Hải- Hải Phòng cũng được xem là nhà máy thông minh của ô tô Việt Nam.

Để vận hành tổ hợp có tổng vốn đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD, Vinfast đã ký với Siemens hợp đồng trang bị các công nghệ mới nhất có mức độ tự động hóa cao, các phần mềm ưu việt có khả năng quản trị và tích hợp toàn diện xuyên suốt chuỗi giá trị (từ khâu lên ý tưởng thiết kế, thử nghiệm sản phẩm cho đến lập kế hoạch và thiết kế dây chuyền sản xuất, điều hành sản xuất, quản trị hậu cần, hậu mãi).

Được biết, Rạng Đông đang dự kiến xây dựng nhà máy sản xuất thông minh, với chi phí ít nhất khoảng 800 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2023.

Theo bà Hương, thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam cũng mong muốn áp dụng tự động hóa để tăng năng suất, tăng chất lượng sản xuất, nhưng họ gặp nhiều vướng mắc; trong đó, chi phí đầu tư là trở ngại lớn nhất.

Tin bài liên quan