Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Doanh nghiệp nhà nước phổ cập máy tính và internet cao hơn, nhưng sử dụng ít hơn doanh nghiệp tư nhân

Đổi mới sáng tạo là một quá trình thử - sai trong khi mức độ chấp nhận rủi ro của doanh nghiệp nhà nước thấp với yêu cầu bảo toàn vốn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu.

35% doanh nghiệp nhà nước mới bắt đầu quá trình số hóa

Một mã QR được in kèm trên tài liệu cuộc hội thảo về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp nhà nước trong công nghiệp 4.0 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 5/11.

Không phải lần đầu tiên tài liệu của một cuộc hội thảo được gửi lên “đám mây” chung thay vì gửi từng hòm thư điện tử, nhưng hình thức này vẫn chưa được nhân rộng, dù đây là giải pháp đáp ứng nhu cầu người tham gia hội thảo và yêu cầu nâng cao hiệu suất.

Số hóa hay ứng dụng thành quả công nghệ 4.0 với đối tượng cụ thể là doanh nghiệp nhà nước cũng là câu chuyện tương tự, dù nhu cầu có nhưng mức sẵn sàng chưa cao.

Theo báo cáo của ông Trịnh Đức Chiều, Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM) đưa ra tại hội thảo, một loạt nghị quyết và chiến lược liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đều đề cập đến doanh nghiệp nhà nước từ yêu cầu cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả (Nghị quyết số 12), đến việc tạo cơ chế cho doanh nghiệp nhà nước đầu tư nghiên cứu.

Hay trong bản dự thảo Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghệ lần thứ 4 còn đang đề xuất doanh nghiệp nhà nước có vai trò hình mẫu và dẫn dắt doanh nghiệp khác.

Nhu cầu tự đổi mới còn là vấn đề tự thân của doanh nghiệp. Đại diện cho một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn sớm chú trọng chuyển đổi số, ông Lê Hải Đăng, Trưởng ban Chiến lược phát triển, Tập đoàn Điện lực (EVN) cho biết, đề án ứng dụng công nghiệp 4.0 đã được Tập đoàn phê duyệt cách đây gần 1 năm và đến nay đã có 39 đề án thành phần trải dài trong các lĩnh vực hoạt động, tiêu biểu như trạm biến áp số, đề án nhà máy điện thông minh... 

“Đề án này được đưa ra trước khi Nhà nước ban hành Nghị quyết 52. Tập trung cho cải tiến công nghệ xuất phát từ nhu cầu tự thân của doanh nghiệp để nâng cao phục vụ khách hàng và hiệu quả hoạt động”, ông Đăng cho hay.

Theo cuộc khảo sát do CIEM thực hiện, khi được yêu cầu tự đánh giá mức độ số hóa, đa số doanh nghiệp tham gia khảo sát mới bắt đầu quá trình số hóa, nhưng quan tâm và kỳ vọng cao về triển vọng 5 năm tới.

Chỉ 17% doanh nghiệp đang cộng tác trong chuỗi giá trị, 48% doanh nghiệp đã tích hợp số hóa, còn 35% doanh nghiệp mới bắt đầu vào quá trình này. Tổng hợp các tiêu chí khảo sát, hiện trạng số hóa nhóm doanh nghiệp nhỏ đang thấp nhất chỉ bình quân ở mức 1,84 trên thang điểm 5, trong khi nhóm doanh nghiệp lớn cao nhất (3,07/5).

Doanh nghiệp nhà nước phổ cập máy tính và internet cao hơn, nhưng sử dụng ít hơn doanh nghiệp tư nhân ảnh 1

Khảo sát của CIME khi các doanh nghiệp nhà nước tự đánh giá mức độ số hóa

Phân tích số liệu từ khảo sát này đang chỉ ra có sự khác biệt lớn giữa các doanh nghiệp nhà nước khác nhau. Các doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu dưới mức chi phối quan tâm đến năng lực số hóa hơn doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn ở các chỉ tiêu quan tâm việc sử dụng dữ liệu để tăng hiểu biết về khách hàng và mức độ hài lòng chất lượng bộ phận công nghệ thông tin.

Nhóm nghiên cứu của CIEM cũng đánh giá trên tiêu chí mức độ việc sử dụng internet và máy tính khi làm việc. Theo số liệu này, doanh nghiệp nhà nước có mức độ phổ cập máy tính và internet cao hơn so với doanh nghiệp tư nhân và FDI, nhưng tần suất sử dụng thấp hơn ở đa số các ngành. 

Cần cơ chế sandbox cho đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp nhà nước?

Doanh nghiệp nhà nước phổ cập máy tính và internet cao hơn, nhưng sử dụng ít hơn doanh nghiệp tư nhân ảnh 2

Ông Lê Duy Bình - chuyên gia kinh tế của Economica phát biểu tại Hội thảo

Khi mức độ sẵn sàng còn thấp, nếu đòi hỏi vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước ở nhiều mặt không riêng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyên gia Trần Toàn Thắng từ Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia cho rằng, doanh nghiệp nhà nước đang bị đặt kỳ vọng quá nhiều.

Còn theo ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế của Economica, điều các doanh nghiệp nhà nước cần  là làm sao để chuẩn bị tốt hơn, chưa nói đến vai trò dẫn dắt, đặc biệt khi đặt trong thể chế, chính sách hiện tại.

Từ phía CIEM, ông Trịnh Đức Chiều cũng chỉ ra những bất cập chính sách đối với doanh nghiệp nhà nước trong công nghiệp 4.0 như thiếu văn bản pháp lý, chính sách, chiến lược khoa học công nghệ đặt ra mục tiêu cụ thể, định lượng cho doanh nghiệp nhà nước, ràng buộc cứng duy nhất là quy định lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ (3%-10% của thu nhập tính thuế).

Ngoài ra, doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự được coi là một đối tượng quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chưa có quy định, chính sách ràng buộc hợp tác, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo...

Những khó khăn này cũng được cán bộ tại các doanh nghiệp nhà nước phản ánh. Sau gần một năm thực hiện đề án tại EVN, ông Lê Hải Đăng chỉ ra một khó khăn từ ở cơ chế thu hút người giỏi trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

“Doanh nghiệp nhà nước khó đưa ra những cơ chế tài chính đủ hấp dẫn. Cơ chế tiền lương không thu hút được, ngược lại còn hiện tượng chảy máu chất xám khi các doanh nghiệp bên ngoài có chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn. Riêng với công nghệ 4.0 với nhiều nội dung mới như blockchain, AI còn có cách hiểu chưa đồng nhất cũng cần đào tạo thêm”, ông Đăng cho hay.

Ngoài giới hạn về tiền lương, một cán bộ trực tiếp làm việc trong bộ phận khoa học công nghệ Tập đoàn Dầu khí (PVN) cho rằng, điều cốt lõi còn là cơ chế tại doanh nghiệp nhà nước đang không phát huy được hết tiềm năng của người lao động.

Đổi mới sáng tạo là một quá trình thử - sai có rủi ro rất cao. Điều này gây khó khăn với doanh nghiệp nhà nước khi đây là những doanh nghiệp có mức độ chấp nhận rủi ro thấp và nêu cao yêu cầu bảo toàn vốn. Đầu tư dự án cải tiến công nghệ nếu lỗ thì người đứng đầu dự án có thể chịu rủi ro cao về pháp lý nên khi làm phải rất cân nhắc.

Từ phía EVN, ông Đăng cũng cho rằng, nếu chấp nhận thử nghiệm khoa học công nghệ cần có cơ chế tiếp nhận rủi ro. Điều này cũng tương tự cho phép thử nghiệm trong cơ chế sandbox để áp dụng những công nghệ mới.

Tin bài liên quan