Doanh nghiệp Hàn Quốc dịch chuyển đầu tư vào công nghệ cao

Doanh nghiệp Hàn Quốc dịch chuyển đầu tư vào công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, trong đó có dòng vốn công nghệ cao đến từ các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Dịch chuyển đầu tư

Thời gian gần đây, hai “ông lớn” đến từ xứ sở Kim chi là Samsung, LG đều nhắc tới chuyện chuyển sản xuất, đầu tư hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam. Trong khi Samsung có kế hoạch chuyển sản xuất PC từ Trung Quốc sang Việt Nam để giảm chi phí và duy trì khả năng cạnh tranh trong kinh doanh, thì LG đang cân nhắc phát triển một trung tâm R&D mới tại Việt Nam như một phần trong nỗ lực mở rộng sự hiện diện của mình trên thị trường.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) nhận xét, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam trước đây thường tập trung vào các ngành sản xuất như may mặc, túi xách, giày dép, nhưng gần đây đã đa dạng hóa trong các ngành công nghiệp công nghệ cao có giá trị gia tăng cao như điện tử, công nghệ thông tin, ô tô và các ngành công nghiệp thiết bị xây dựng, phân phối và dịch vụ. Bên cạnh Samsung và LG, một số công ty hàng đầu tích cực đầu tư vào ngành này là Hyosung, SK, Hyundai Motors…

Theo các chuyên gia, gần đây, các công ty đa quốc gia thực hiện đầu tư vào Việt Nam nhấn mạnh quan điểm rằng, Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất từ Trung Quốc. Việc các công ty Hàn Quốc xây dựng các cơ sở R&D tại Việt Nam như Samsung và LG là những dấu hiệu tích cực cho thấy, Việt Nam có thể dần dần tiến lên chuỗi giá trị và thu hút thêm các khoản đầu tư nước ngoài chất lượng cao.

Ông Dean Rolfe, đại diện KPMG Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân thúc đẩy dòng vốn đầu tư công nghệ cao mới vào Việt Nam là nhằm đa dạng hóa chuỗi sản xuất từ Trung Quốc. Doanh số kinh doanh bán dẫn có thể chậm lại và ảnh hưởng đến sản xuất công nghệ cao từ Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm dành cho thị trường quốc tế, không tiêu thụ nội bộ. Do đó, nhiều doanh nghiệp có thể đang xem xét một chiến lược đa dạng hóa từ Trung Quốc hoặc một chiến lược bổ sung của Trung Quốc + 1.

“Các doanh nghiệp có thể đang tìm cách giảm chi phí, trong khi những doanh nghiệp khác vẫn xem xét xây dựng chuỗi cung ứng công nghệ cao hoàn toàn mới cho các sản phẩm ở các vị trí địa lý mới để kết hợp tiết kiệm chi phí và đa dạng hóa địa lý”, ông Dean Rolfe cho biết.

Thêm dự án mới được đề xuất

Gần đây, liên tiếp có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp, các địa phương của Hàn Quốc tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương…, với mục đích là hướng dòng vốn đầu tư, trong đó có đầu tư công nghệ cao, vào Việt Nam.

Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam gần đây đã đa dạng hóa trong các ngành công nghiệp công nghệ cao như điện tử, công nghệ thông tin, ô tô...   

Trước thời điểm Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, ông Heo Seong-gon, Thị trưởng TP.Gimhae (tỉnh Gyeongnam, Hàn Quốc) và đoàn các doanh nghiệp của tỉnh này đã tới Đồng Nai, với mong muốn mở rộng hợp tác kinh tế mà trọng tâm là các dự án công nghệ cao, đô thị thông minh.

Một lý do quan trọng để Đồng Nai được lựa chọn là Hàn Quốc đang dẫn đầu trong 43 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào địa phương này, với hơn 400 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 6,6 tỷ USD. Phần lớn doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Đồng Nai hoạt động sản xuất, kinh doanh thành công.

Trước đó, một liên doanh giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam đã đề xuất với chính quyền tỉnh Đồng Nai đầu tư, xây dựng Khu công nghệ cao Việt - Hàn có diện tích 300 ha, tổng vốn đầu tư 150 triệu USD. Dự án đặt ra mục tiêu thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao từ Hàn Quốc cũng như các nước phát triển khác đến với Đồng Nai nhằm tạo ra giá trị sản phẩm chất lượng trên các lĩnh vực định hình cách mạng công nghiệp 4.0. Dự án dự kiến thu hút từ 2 đến 3 tỷ USD vốn đầu tư trong khoảng 6 - 9 năm sau khi đi vào hoạt động.

Còn tại Bình Dương, Becamex IDC và đối tác Hàn Quốc đã đề xuất đầu tư, xây dựng Khu công nghiệp Khoa học công nghệ có diện tích 900 ha. Theo đại diện của Becamex IDC, song song với việc chuẩn bị các thủ tục đầu tư khu này, chủ đầu tư đã chủ động làm việc với đối tác là các nhà đầu tư sản xuất công nghệ cao, nhằm thúc đẩy sự tham gia của các đối tác quan trọng cũng như chuẩn bị những khách hàng đầu tiên. Dự kiến, nhà máy sản xuất hàng bán dẫn sẽ là khách hàng đầu tiên của khu này.

Hàn Quốc hiện đứng thứ 5 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương với hơn 800 dự án, tổng vốn đầu tư gần 3,2 tỷ USD.

Tin bài liên quan