Apple và YouTube thúc đẩy sáng kiến hỗ trợ cộng đồng thiểu số

Apple cam kết chi 100 triệu USD cho Sáng kiến Bình đẳng và công lý sắc tộc của bà Lisa Jackson, Phó Chủ tịch Apple về Sáng kiến Môi trường, chính sách và xã hội.
(Ảnh minh họa: AFP/TTXVN).

(Ảnh minh họa: AFP/TTXVN).

Ngày 11/6, hai ông lớn công nghệ Mỹ là Apple và Youtube đã công bố các sáng kiến mới nhằm giảm bớt rào cản, tạo thêm cơ hội phát triển cho các cộng đồng thiểu số.

Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cho biết hãng công nghệ này cam kết chi 100 triệu USD cho Sáng kiến Bình đẳng và công lý sắc tộc của bà Lisa Jackson, Phó Chủ tịch Apple về Sáng kiến Môi trường, chính sách và xã hội.

Theo ông Cook, sáng kiến của Apple sẽ bắt đầu tại Mỹ và mở rộng ra toàn cầu qua thời gian với mục tiêu chống lại các rào cản mang tính hệ thống đối với cơ hội dành cho các cộng đồng người da màu, đặc biệt là những người gốc Phi.

Ông cũng cam kết cách tiếp cận toàn diện hơn thông qua hỗ trợ giáo dục, các tổ chức về quyền dân sự, doanh nghiệp của người gốc Phi và nhóm các nhà phát triển thuộc cộng đồng thiểu số.

Bên cạnh đó, Apple cũng sẽ chi trả nhiều hơn cho các công ty đối tác do người gốc Phi sở hữu trong chuỗi nguồn cung, hướng tới việc tăng tỷ lệ các doanh nghiệp thuộc cộng đồng thiểu số mà Apple hợp tác.

Trong khi đó, trang cung cấp dịch vụ chia sẻ video trực tuyến YouTube tuyên bố sẽ lập một quỹ trị giá 100 triệu USD để hỗ trợ các nghệ sỹ gốc Phi.

Giám đốc điều hành YouTube Susan Wojcicki khẳng định trong những năm tới, YouTube sẽ dùng khoản tiền này để thúc đẩy và hỗ trợ các nhà sáng tạo nghệ thuật gốc Phi cất lên tiếng nói và phát triển. Dự kiến dự án video đầu tiên của quỹ sẽ đăng trên YouTube vào cuối tuần này.

Đây là nỗ lực mới nhất của các tập đoàn lớn trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, bán lẻ, công nghệ nhằm hỗ trợ cộng đồng gốc Phi sau các cuộc biểu tình phản đối tình trạng bạo lực sắc tộc, liên quan vụ người đàn ông da màu George Floyd tử vong khi bị cảnh sát bắt ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ.

Làn sóng biểu tình  cũng đã lan rộng ra các nước khác. Từ ngày 31/5, một số cuộc biểu tình đã diễn ra tại Canada, Anh, Đức và New Zeland... bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội thời kỳ dịch bệnh.

Tin bài liên quan