Số hóa công tác công bố thông tin và quản trị công ty

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp cận với các thông lệ quốc tế trong việc công bố thông tin và quản trị trị công ty đối với công ty đại chúng nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng là hết sức cần thiết.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và những bất định trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 hiện nay đang tạo ra điều kiện cần và đủ để các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình số hóa công tác công bố thông tin và quản trị công ty.

TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch HÐQT Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD)
TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch HÐQT Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD)

Thực tiễn trong năm 2020 cho thấy, các công ty đại chúng rất khó triển khai việc tổ chức đại hội đồng cổ đông theo đúng thời điểm quy định, một phần do chậm trễ trong việc tiếp nhận các dữ liệu tài chính từ các công ty con, công ty liên kết khi xây dựng báo cáo tổng hợp, đến khi tổ chức đại hội thì không thể tiến hành trực tiếp do giãn cách xã hội. Trong khi đó, các ứng dụng công nghệ thông tin để tiến hành đại hội trực tuyến (e-meeting) và biểu quyết trực tuyến (e-voting) của doanh nghiệp chưa được triển khai, điều lệ công ty và quy chế quản trị nội bộ chưa được sửa đổi để cho phép các ứng dụng trực tuyến thực hiện.

Mặc dù cơ chế báo cáo và công bố thông tin của doanh nghiệp đã được thực hiện qua các kênh trực tuyến và trên các website nội bộ, nhưng chỉ áp dụng ở các doanh nghiệp quy mô lớn, việc sử dụng các chứng thư số và chữ ký điện tử áp dụng chưa nhiều và chưa nhận được sự quan tâm ủng hộ của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp.

Gần đây, rất nhiều doanh nghiệp quy mô lớn hoạt động khá hiệu quả khi sử dụng các cơ chế họp, giao ban trực tuyến hàng ngày, hàng tuần thông qua hệ thống mobile, zoom meeting... và ra các quyết sách quan trọng, kịp thời để điều hành doanh nghiệp không khác gì các cuộc họp hội đồng quản trị, ban điều hành trực tiếp. Tuy nhiên, về góc độ pháp lý, việc này lại chưa phù hợp với các quy định nội dung, tài liệu, địa điểm, biên bản ghi chép cuộc họp phải thông báo trước... Do đó, các quy định pháp lý cần sửa đổi theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại mới.

Hiện tại, bên cạnh việc triển khai cấp mã số giao dịch trực tuyến cho nhà đầu tư nước ngoài (trading code online), VSD đã cung cấp ứng dụng biểu quyết điện tử cho các công ty đại chúng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, số lượng doanh nghiệp sử dụng chưa nhiều, dù Trung tâm đã giảm phí dịch vụ tới 2/3 để hỗ trợ doanh nghiệp khi bị dịch Covid-19. Các đơn vị sử dụng chỉ tập trung ở một số công ty quản lý quỹ đầu tư, sử dụng cho biểu quyết của đại hội đầu tư của quỹ.

Việc doanh nghiệp chưa sử dụng nhiều dịch vụ e-voting một phần do thói quen muốn tổ chức đại hội trực tiếp để trao đổi, đối thoại và quan ngại ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bỏ phiếu bầu. Mặt khác, hệ thống e-voting hiện nay cũng chưa tích hợp được với hệ thống e-meeting, nên khả năng "điện tử hoá" toàn bộ đại hội chưa được thực hiện.

Với những định hướng triển khai hệ thống pháp lý mới (Luật Chứng khoán sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi) và trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin, các ứng dụng như cổng giao tiếp với tổ chức phát hành, sổ cổ đông điện tử (e-passbook) và trên nền tảng xác lập kho dữ liệu số (data warehouse), các ứng dụng dựa trên nền tảng dữ liệu lớn (big data), công nghệ chuỗi số (blockchain), công nghệ tài chính (Fintech) sẽ được VSD nghiên cứu, xây dựng để cung cấp các tiện ích cho toàn thị trường.

Tin bài liên quan