Vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm đều tăng
Tốc độ tăng khá mạnh, cả số doanh nghiệp và số vốn đăng ký mới và tăng thêm, trong 6 tháng đầu năm 2016 là dấu hiệu tích cực trong bức tranh đăng ký doanh nghiệp.
Không những thế, một số ngành có tỷ lệ vốn đăng ký tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2015. Đó là các ngành kinh doanh bất động sản (tăng 359,1%); khai khoáng (tăng 290,1%); thông tin và truyền thông (276,6%); khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (tăng 145,8%)...
Cũng có thể nói, đây là những dấu hiệu thực tế rõ nét từ tác động của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cũng như các chỉ đạo gần đây của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của doanh nghiệp.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước có thêm 54.501 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 427.762 tỷ đồng, tăng 20% về số doanh nghiệp và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Đây là mức tăng đáng kể, nhất là về số vốn đăng ký, khi so với tỷ lệ này của năm 2015 và 2014 chỉ tương ứng là 21,7% và 22,3%.
Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2015.
Các doanh nghiệp đăng ký mới vẫn tập trung ở Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ.
Tính chung, tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2016 là 1.202.486 tỷ đồng.
Cũng phải nói thêm, trong số này, có 774.724 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp, tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái.
Rõ ràng, các nhà đầu tư đang sẵn sàng bỏ vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều đó có nghĩa, niềm tin kinh doanh đang trở lại mạnh mẽ.
Nhiều doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Trong 6 tháng đầu năm có 14.902 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đây là con số cao nhất từ trước tới nay, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này của cùng kỳ năm 2014 và 2015 chỉ là 2,2%.
Động thái đó có thể phản ánh rằng, bên cạnh những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp thì phương hướng, giải pháp, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ mới trong thời gian qua cùng với sự nỗ lực triển khai của các bộ, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là đúng hướng và cơ bản đã phát huy hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đã tìm thấy cơ hội kinh doanh mới phù hợp.
Tuy vậy, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 6 tháng qua vẫn ở mức khá cao, với 5.507 doanh nghiệp, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Mức này của cùng kỳ năm 2015 giảm 0,9% so với 6 tháng đầu năm 2014. Nếu tính riêng quý II/2016, số doanh nghiệp giải thể giảm 11,3% so với quý I/2016.
Phân tích kỹ nhóm doanh nghiệp giải thể, có tới 40,1% là các công ty TNHH một thành viên. Ở đây có dấu hiệu của việc sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước.
Nếu xét về quy mô, 93% số các doanh nghiệp giải thể có vốn dưới 10 tỷ đồng. Có thể thấy, doanh nghiệp có quy mô vốn lớn thường có độ ổn định và sức chống chọi với khó khăn cao hơn so với các doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chiếm 92,1% số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng qua.
Rõ ràng, doanh nghiệp vẫn cần thêm các giải pháp hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các giải pháp giải quyết nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp thông qua việc đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng, bảo đảm an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật; nâng cao năng lực thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay...