Ấn Độ - quốc gia đang phải hứng chịu dịch bệnh Covid-19 tồi tệ nhất trên thế giới vừa thông báo đã ghi nhận hơn 17,6 triệu ca mắc kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào năm 2020. Nhưng các chuyên gia lo ngại, con số thực sự có thể cao hơn gấp 30 lần, tương đương với hơn 500 triệu ca mắc.
Các nhân viên y tế và các nhà khoa học tại Ấn Độ từ lâu cảnh báo rằng, việc thống kê số ca mắc và số ca tử vong do dịch Covid-19 tại quốc gia này có thể chưa chính xác do nhiều lý do, trong đó có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, chẳng hạn như tỷ lệ làm xét nghiệm thấp, hạn chế về cơ sở hạ tầng và do sai sót trong khâu kiểm đếm.
Các chuyên gia nhận định mức độ ảnh hưởng của làn sóng thứ hai có thể tồi tệ hơn nhiều so với những con số chính thức được công bố. Trận chiến diễn ra ngày một khốc liệt hơn. Theo Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Y Washington, số ca tử vong theo ngày tại Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng cho đến giữa tháng 5.
Các dự đoán cho thấy, con số này có thể lên tới hơn 13.000 người/ngày – gấp 4 lần so với số ca tử vong theo ngày ở thời điểm hiện tại.
Ông Ramanan Laxminarayan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch bệnh tại thủ đô New Delhi cho biết: “Khó có gia đình nào thoát khỏi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều tôi nghĩ đến là mỗi gia đình đều sẽ có ít nhất 1 người tử vong”.
Tỷ lệ xét nghiệm tại Ấn Độ vẫn thấp
Ấn Độ đã gia tăng đáng kể năng lực xét nghiệm Covid-19 kể từ làn sóng đầu tiên. Vào thời điểm này năm 2020, Ấn Độ đã xét nghiệm cho chưa đến 500.000 người mỗi ngày, nhưng hiện giờ “họ đang xét nghiệm cho gần 2 triệu người mỗi ngày” nhà khoa học hàng đầu của WHO, Tiến sĩ Soumya Swaminathan lưu ý.
“Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ vì tỷ lệ dương tính trung bình trên toàn quốc là 15%. Tại một số thành phố như New Dehli, con số này lên đến 30% hoặc cao hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc có rất nhiều người mắc bệnh mà không được phát hiện”, ông Soumya Swaminathan nói.
Ông Bhramar Mukherjee, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Michigan cho biết, có một số lý do khiến tỷ lệ xét nghiệm thấp. Trước hết, phải kể đến những bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng không xuất hiện triệu chứng hay còn gọi là “nhiễm virus thầm lặng”. Những người này nghĩ rằng họ không mắc bệnh vì thế không đi xét nghiệm.
Ngoài ra, còn do sự khác biệt về cơ chế xét nghiệm giữa các thành phố và các bang. Hơn nữa, tại các khu vực nông thôn, người dân sẽ ít được tiếp cận với các dịch vụ xét nghiệm hơn so với các thành phố. Những người nghèo, người thu nhập thấp cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thu xếp thời gian để đi xét nghiệm hoặc tới các trung tâm xét nghiệm.
“Ở một mức độ nào đó, tất cả các quốc gia đều phải đối mặt với vấn đề phân loại chính xác các trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19, nhưng tôi nghĩ ở Ấn Độ, vấn đề khá nghiêm trọng", ông Mukherjee nói.
Tuy vậy, những dữ liệu thu thập được từ các cuộc khảo sát tỷ lệ mắc bệnh Covid-19 theo huyết thanh học đã giúp các nhà khoa học có một thước đo tốt hơn về số người có thể bị mắc bệnh trong thực tế.
Chuyên gia Swaminathan nhấn mạnh, các cuộc khảo sát trước đây tại Ấn Độ cho thấy “con số này cao hơn ít nhất 20 đến 30 lần so với số liệu chính thức được công bố”. Khi áp dụng thước đo này với số liệu được thông báo mới nhất vào hôm 27/4, các nhà khoa học ước tính tổng số ca mắc tại Ấn Độ có thể lên đến hơn 529 triệu trường hợp.
Covid-19 đang lây lan khắp các tiểu bang
Chuyên gia Bhramar Mukherjee cho biết, việc thống kê chưa chính xác có thể là một phần nguyên nhân khiến Ấn Độ mất cảnh giác trước làn sóng thứ 2 của dịch bệnh.
“Nếu chúng tôi có dữ liệu chính xác hơn về số ca mắc, số ca tử vong thì chúng tôi sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn nhiều và dự đoán được các nhu cầu về nguồn lực y tế”, ông Mukherjee nói.
Trong làn sóng dịch bệnh thứ 2, bắt đầu bùng phát từ giữa tháng 3, thủ đô New Dehli bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, tiếp đến là bang Maharashtra ở miền Tây nước này. New Dehli đã áp đặt biện pháp phong tỏa vào ngày 19/4 và tiếp tục gia hạn cho đến ngày 3/5. Nhà chức trách tại một số bang khác cũng đã áp đặt những hạn chế mới trong một nỗ lực nhằm tránh thảm kịch tương tự như ở khu vực thủ đô.
Theo CNN, bang Karnataka ở miền Nam nước này đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ lúc 21h tối, kéo dài trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 26/4. Bang Punjab ở miền Bắc nước này cũng công bố các biện pháp tưng tự vào ngày 25/4, trong đó có 1 lệnh giới nghiêm vào ban đêm và phong tỏa vào cuối tuần.
Chính quyền các bang hiện đang kêu gọi sự hỗ trợ từ chính phủ trung ương và nước ngoài để đối phó với dịch Covid-19. Nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Pakistan đã cam kết hỗ trợ các thiết bị y tế cần thiết bao gồm máy thở và oxy đến Ấn Độ. Lô hàng viện trợ đầu tiên của chính phủ Anh đã tới Ấn Độ trong ngày 26/4.