SK Group bước sâu vào thị trường Việt Nam qua M&A

(ĐTCK) Một trong những tập đoàn thương mại lớn nhất Hàn Quốc đang mở rộng đầu tư vào thị trường Việt Nam, thông qua các thương vụ góp vốn, mua cổ phần.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Rót hàng tỷ USD vào các thương vụ M&A

Cuối tháng 5 vừa qua, ngay trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP)bất ngờ thông báo biến động lớn trong cơ cấu cổ đông.

Theo đó,  SK Investment Vina III, đơn vị đầu tư trực thuộc tập đoàn đa ngành Hàn Quốc SK Group, đã nhận chuyển nhượng 12,32 triệu cổ phiếu, tương đương 24,9% cổ phần của Imexpharm và trở thành cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này.

11,3 triệu cổ phiếu được SK Investment Vina III mua lại từ Quỹ Dragon Capital. Phần còn lại đến từ một số quỹ khác như CAM Vietnam Mother Fund, Kingsmead, Mirae Asset…

Giao dịch được thực hiện qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) nên giá trị chuyển nhượng không được công bố, song theo giá thị trường hiện tại của cổ phiếu IMP,  giá trị lô cổ phần này tương đương 668 tỷ đồng (gần 29 triệu USD).

Trước thương vụ này, SK Group đã thực hiện nhiều thương vụ đình đám. Cụ thể, giữa năm 2019, SK Group chi ra khoảng 23.300 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) để mua 154,3 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ từ Vingroup và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu VIC thuộc sở hữu của VinCommerce.

Sau giao dịch, SK Group trở thành cổ đông ngoại lớn nhất, nắm giữ 6,15% cổ phần của Vingroup. Đây được xem là giao dịch M&A lớn nhất trong năm 2019, chiếm hơn 10% tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm vừa qua.

Trước đó, vào tháng  9/2018, SK Group đầu tư 470 triệu USD mua lại toàn bộ 110 triệu cổ phiếu quỹ, để sở hữu 9,5% cổ phần của Masan Group, doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng trong nước. Trong thời gian ngắn, SK Group đã  đầu tư gần 1,5 tỷ USD vào hai doanh nghiệp tư nhân hàng đầu tại Việt Nam.

Ngoài hai thương vụ trên, một công ty con khác của SK Group là SK Energy còn nắm hơn 5% cổ phần của PV Oil, trị giá gần 30 triệu USD.

Những thương vụ đầu tư liên tiếp biến SK Group trở thành một trong những nhà đầu tư ngoại lớn nhất tại Việt Nam, bên cạnh ThaiBev, GIC (Singapore), Mizuho Bank và nhóm các công ty quản lý quỹ như VinaCapital, KIM (Korea), Dragon Capital.

Tuy nhiên, trước khi thành công với các thương vụ M&A đình đám trên, SK đã từng thất bại khi mới nhen nhóm bước chân vào thị trường Việt Nam.

Khác với các quỹ đầu tư lựa chọn một danh mục đa dạng, SK Group có các khoản đầu tư tư quy mô lớn và tập trung.   

Ngay từ rất sớm, năm 2003, SK Group thông qua SK Telecom từng đầu tư cho mạng di động S-Fone trong dự án hợp đồng hợp tác kinh doanh (BBC) với Công ty Viễn thông Sài Gòn (SPT Telecom), nhưng mạng này sau đó thất bại và SK Telecom rút khỏi dự án.

Năm 2018, một thành viên của SK Group là SK Securities  không thể trở thành nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa Vinalines do “không đáp ứng đủ điều kiện”.

Tham vọng lớn tại thị trường Việt Nam

SK Group, thành lập năm 1953, là tập đoàn đa ngành lớn thứ ba tại Hàn Quốc dựa trên tổng tài sản vào năm 2019. Hoạt động kinh doanh của SK trải dài từ dịch vụ viễn thông, logistic, công nghệ đến du lịch, dịch vụ, năng lượng.

Trong vài năm gần đây, SK Group không giấu giếm ý đồ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Năm 2018, SK Group thành lập quỹ đầu tư với tên gọi SK South East Asia Investment để nắm bắt cơ hội kinh doanh và mở rộng sự hiện diện của SK Group tại Đông Nam Á.

Quỹ có vốn ban đầu 500 triệu USD được góp từ 5 công ty thành viên, gồm SK E&C, SK Innovation, SK Telecom, SK Hynix và SK E&S.

Chưa dừng lại ở đó, cuối năm 2019, SK Group và Cơ quan Hưu trí Hàn Quốc (NPS) cho biết sẽ triển khai một quỹ hợp tác doanh nghiệp (COPA) quy mô khoảng 860 triệu USD.

Quỹ đầu tư này sẽ do SKS Private Equity và Stonebridge Capital quản lý và tập trung giải ngân vào các công ty tại Việt Nam thông qua các giao dịch M&A.

Đại diện của SK tại Đông Nam Á từng chia sẻ, Việt Nam là nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn tại khu vực Đông Nam Á của tập đoàn này.

Khác với các quỹ đầu tư lựa chọn một danh mục đa dạng, SK Group có các khoản đầu tư tư quy mô lớn và tập trung.

Đặc biệt, thay vì chú trọng đến tỷ lệ nắm giữ, hay khả năng kiểm soát, SK Group quan tâm nhiều đến điều kiện thể chế, khả năng đầu tư và cân nhắc kế hoạch rút lui nếu cần.

Chẳng hạn, hai thương vụ đầu tư của SK Group vào vào Masan Group và Vingroup đều có các điều khoản, điều kiện đặc biệt cho phép nhà đầu tư nắm giữ thế chủ động và giảm thiểu rủi ro đáng kể so với các nhà đầu tư đơn thuần.

Ngoài ra, SK Telecom được cho là cũng đang tìm cách tái gia nhập thị trường viễn thông Việt Nam bằng việc hợp tác với đối tác đầu ngành là Mobifone.            

Tin bài liên quan