Siam Commercial Bank: Ngân hàng của Vua phục vụ tốt thảo dân

Siam Commercial Bank: Ngân hàng của Vua phục vụ tốt thảo dân

(ĐTCK) Mới đây, Tạp chí FinanceAsia có trụ sở chính tại Hồng Kông (website: www.financeasia.com) đã có bài báo nói về Siam Commercial Bank (Siam Bank), ngân hàng thương mại lâu đời nhất Thái Lan và hiện cũng là một trong số những ngân hàng thương mại lớn nhất nước này.

Siam Bank do Hoàng thân Mahisara Rajaharudaya (em trai Nhà vua Chulalongkorn -Rama V) thành lập ngày 4/10/1904 theo sắc lệnh do Vua Chulalongkorn ký.

Chính vì thế, ở Thái Lan, mọi người đều gọi Siam Bank là ngân hàng của Vua (nguyên văn tiếng Anh là King’s bank). Trên thực tế, Crown Property Bureau, một cơ quan quản lý và kinh doanh tài sản của gia đình Hoàng gia Thái, hiện sở hữu tới 21% cổ phần của Siam Bank. Vì thế, ngay cả bây giờ gọi Siam Bank là ngân hàng của Vua cũng không xa sự thật bao lăm.

Tuy gốc gác là ngân hàng của Vua, nhưng giờ đây, Siam Bank đã là công ty đại chúng (lên sàn ngày 19/2/1993), phục vụ cho mọi đối tượng, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và được coi là ngân hàng phục vụ người dân Thái Lan bình thường (nói một cách dân gian là thảo dân) vào loại tốt nhất. Điều này được thể hiện ở chỗ Siam Bank có hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch lớn nhất trên phạm vi toàn Thái Lan. Siam Bank hiện có tổng cộng hơn 1.100 chi nhánh, phòng giao dịch và 7.678 máy rút tiền tự động (ATM). Tính đến cuối quý II/2012, giá trị vốn hoá thị trường của Siam Bank đạt 464 tỷ baht (14 tỷ USD), cao nhất trong số các tổ chức tài chính, tín dụng của Thái Lan; tổng tài sản của Siam Bank là 1.878 tỷ baht.

Trong cuộc bình chọn do Tạp chí Finance Asia tổ chức mới đây, Siam Bank được đánh giá khá cao theo nhiều tiêu chí. Chẳng hạn, xét theo tiêu chí doanh nghiệp được quản lý tốt nhất ở Thái Lan, Siam Bank đứng thứ 5, chỉ sau PTT, PTTEP (dầu khí), Siam Cement (xi măng), Kasikornbank (ngân hàng).

Xét về năng lực lãnh đạo doanh nghiệp, bà Kannikan Chalitaporn được bầu chọn là giám đốc điều hành (CEO) giỏi thứ 3, chỉ sau Pailin Chuchottaworn, CEO Tập đoàn Dầu khí quốc gia PTT và Banthoon Lamsam, CEO Ngân hàng Kasikornbank.

Bà Kannikan Chalitaporn gia nhập Siam Bank từ năm 2002, sau khi là nhà quản lý cao cấp ở Tập đoàn Unilever (bà làm việc ở đây tới 32 năm). Về Siam Bank, bà đã đẩy mạnh chiến lược phát triển mảng bán lẻ, từ năm 2007, bà tập trung phát triển mảng bán buôn. Bà đã mời ông Arthid Nanthawithaya, nguyên nhà quản lý cao cấp của Ngân hàng Standard Chartered (Anh) Chi nhánh Thái Lan về giữ chức Phó chủ tịch. Được biết, ông này được bà Kannikan Chalitaporn chính thức chọn bồi dưỡng để đảm nhiệm chức vụ CEO trong tương lai.

“Siam Bank là ngân hàng Thái Lan. Không phải là Standard Chartered hay Citigroup, nên chúng tôi không sao chép mô hình của ai cả. Chúng tôi phải phát triển trên cơ sở và nền tảng mà mình đang có”, ông Arthid Nanthawithaya khẳng định.

Cả bà Kannikan Chalitaporn lẫn ông Arthid Nanthawithaya đều cùng có chung quan điểm là, để trở thành một ngân hàng hiện đại, Siam Bank cần phát triển đều các mảng bán lẻ, bán buôn lẫn ngân hàng đầu tư. Siam Bank đã tư vấn tài chính thành công cho nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) lớn ở Thái Lan.

Siam Bank cũng là một trong số ít ngân hàng thương mại Thái Lan dám nhảy vào thị trường trái phiếu USD. Tháng 2/2012, nhờ vào sự hỗ trợ của Barclays (Anh) và Citigroup (Mỹ), Siam Bank đã phát hành thành công trái phiếu có trị giá 600 triệu USD, thời hạn 5 năm rưỡi. Tuy nhiên, quan điểm chủ đạo của Siam Bank vẫn là tập trung khai thác thị trường nội địa, chưa đặt vấn đề phát triển ở các thị trường nước ngoài.

Thứ nhất, môi trường trong nước hiện tại khá thuận lợi để các ngân hàng Thái Lan nói chung và Siam Bank nói riêng vùng vẫy. Những ngân hàng nước ngoài lớn chưa muốn đầu tư vào Thái Lan, vì thị trường không quá lớn, lại vấp phải quy định khá chặt chẽ về số lượng chi nhánh, phòng giao dịch được mở. Chính vì vậy, một số ngân hàng nước ngoài có thâm niên hoạt động tại đây cũng tìm cách tháo lui. Cụ thể, tháng 1/2012, HSBC (Anh) đã bán toàn bộ mảng ngân hàng bán lẻ cho Bank of Ayudhya (Thái Lan); còn Ngân hàng Credit Agricole (Pháp) cũng đã ngừng hẳn mọi hoạt động của mảng ngân hàng đầu tư ở Thái Lan.

Thứ hai, Siam Bank cũng biết rõ được thực lực của mình. Ngay cả muốn vươn ra khu vực ASEAN, Siam Bank cũng không thể cạnh tranh với hai “đại gia” ngân hàng khu vực là DBS (Singapore), CIMB (Malaysia). Tính đến cuối năm 2011, doanh thu có được từ các thị trường nước ngoài chỉ chiếm chưa đến 4% tổng doanh thu của Siam Bank; giá trị tài sản chỉ là 2% tổng tài sản, tức là rất không đáng kể. Ngoài 3 chi nhánh tại Lào, Singapore và Hồng Kông, Siam Bank còn hiện diện tại Campuchia thông qua Cambodia Commercial Bank và tại Việt Nam thông qua liên doanh Vinasiam Joint Venture Bank.

Cần nói thêm ở đây là, Vinasiam Bank (Ngân hàng Liên doanh Việt Thái) là ngân hàng liên doanh giữa 3 đối tác là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Siam Bank và Tập đoàn Charoen Pokphand (CP) của Thái Lan, với tỷ lệ vốn góp tương ứng là 34%, 33% và 33%. Tính đến ngày 31/12/2011, Vinasiam Bank có vốn điều lệ là 61 triệu USD, tổng tài sản ước đạt 217 triệu USD.