SHB: sẵn sàng bán tài sản đảm bảo để thu nợ

SHB: sẵn sàng bán tài sản đảm bảo để thu nợ

(ĐTCK) Tại thời điểm 30/9/2012, SHB có 6.227 tỷ đồng nợ xấu và ngân hàng này sẵn sàng bán tài sản đảm bảo để thu nợ, hoàn nhập dự phòng, qua đó tăng lợi nhuận trong thời gian tới.

Cuối tuần qua, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2012 của Ngân hàng sau sáp nhập, với con số lỗ trên BCTC hợp nhất là 1.706 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận của SHB rơi xuống âm 1.105 tỷ đồng.

Thu lỗ vì trích lập dự phòng sau sáp nhập

BCTC của Ngân hàng cho thấy, thu nhập từ lãi và các khoản thu nhập tương tự trong quý III/2012 đạt 8.187 tỷ đồng, thu nhập lãi thuần gần 385 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh dịch vụ lãi 25 tỷ đồng. Kinh doanh chứng khoán, đầu tư bị lỗ tổng cộng hơn 8 tỷ đồng. Tổng chi phí hoạt động quý III/2012 của SHB là 1.042 tỷ đồng, cộng thêm chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 1.902 tỷ đồng đã khiến Ngân hàng bị lỗ hơn 1.706 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, SHB lỗ hơn 1.105 tỷ đồng.

Theo lý giải của Ngân hàng, việc sáp nhập Habubank và SHB dẫn đến các chỉ tiêu hoạt động quý III/2012 biến động mạnh, do Ngân hàng hoạch toán doanh thu, chi phí 9 tháng đầu năm của Habubank trước sáp nhập vào doanh thu, chi phí quý III/2012 của SHB mới. SHB cũng phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của Habubank cũ là 1.026 tỷ đồng.

Mặc dù xuất hiện con số lỗ lớn, nhưng SHB sau sáp nhập vẫn đảm bảo được tính thanh khoản cho toàn hệ thống. Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) tại ngày 30/9/2012 là 13,9%, tổng vốn dư thừa khả dụng của SHB (bao gồm: tiền mặt, tiền gửi NHNN, trái phiếu chính phủ) đạt 8.579 tỷ đồng. Đến hết tháng 10/2012, tổng tài sản của SHB đã tăng thêm 1,58%, tổng huy động vốn từ thị trường 1 tăng thêm 2,44% so với thời điểm 30/9/2012, tổng dư thừa vốn khả dụng duy trì trên 10.600 tỷ đồng.

 

Nợ xấu giải quyết đến đâu?

Tổng dự phòng rủi ro mà SHB đã trích lập đến 30/9/2012 là 2.103 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/9/2012, SHB có 6.227 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ nghi ngờ mất vốn là 2.206 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn là 1.669 tỷ đồng trên tổng số 47.111 tỷ đồng tổng dư nợ. Tin từ SHB, đến đầu tháng 11/2012, tổng nợ xấu, nợ quá hạn đã được Ngân hàng thu hồi là 1.200 tỷ đồng và Ngân hàng kỳ vọng đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của Habubank cũ về dưới 10%.

Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là SHB đã làm gì để thu hồi được 1.200 tỷ đồng? Ngân hàng sẽ làm gì để tiếp tục giải quyết các trường hợp nợ xấu khác?

Trong thông điệp đưa ra cuối tuần qua, SHB cho biết, Ngân hàng đã thực hiện gói 6 giải pháp để giải quyết, thu hồi nợ xấu, nợ quá hạn, trong đó bao gồm cả việc cơ cấu lại nợ, tham gia tái cấu trúc tài chính DN, thanh lý tài sản.

Đại diện SHB cho hay, Ngân hàng sẽ đẩy mạnh việc tham gia tái cấu trúc DN để giúp các đơn vị này vượt qua khó khăn, nếu họ đáp ứng được các tiêu chí về ngành nghề kinh doanh, có tài sản tốt (bao gồm cả thương hiệu), nền tảng kinh doanh tốt nhưng bị thua lỗ bởi các yếu tố mang tính thời điểm hoặc quản trị kém. Đối với các DN cùng ngành nghề kinh doanh, có quy mô nhỏ, SHB cũng thực hiện tư vấn sáp nhập với nhau hoặc chủ trì sáp nhập vào DN lớn, cùng với việc hỗ trợ các gói giải pháp tài chính để họ phục hồi sản xuất, từ đó biến khách hàng DN có nợ xấu thành đối tác của Ngân hàng.

Mặc dù đưa ra các gói giải pháp xử lý, giảm nợ xấu, nợ quá hạn khá chi tiết, nhưng đến thời điểm này, SHB vẫn chưa có thông tin cụ thể về việc trong 1.200 tỷ đồng nợ xấu được thu hồi, có hay không và nếu có thì bao nhiêu trong số này đến từ giải pháp tham gia tái cơ cấu DN? Bao nhiêu nợ xấu là thực tiền thu về? Bao nhiêu nợ xấu được giải quyết bằng các công cụ tài chính?

 

Triển vọng nào để xóa lỗ?

Với con số lỗ lũy kế hơn 1.105 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, nhiều NĐT băn khoăn, kết quả kinh doanh năm 2012 của SHB sẽ là như thế nào?

Trao đổi với ĐTCK, đại diện SHB cho hay, các khoản nợ của Habubank cũ nói riêng và toàn hệ thống SHB nói chung đều có tài sản đảm bảo, với số dư nợ xấp xỉ 60 - 65% tổng tài sản đảm bảo (số liệu đánh giá tài sản đảm bảo cuối tháng 8/2012). Vì vậy, SHB sẵn sàng bán tài sản đảm bảo để thu nợ, hoàn nhập dự phòng, qua đó tăng lợi nhuận trong thời gian tới. Ngoài ra, con số trích lập dự phòng rủi ro của SHB đến 30/9/2012 là con số trích lập nghiêm túc, đầy đủ. Nghĩa là, nếu khâu giám sát nợ xấu, nợ quá hạn của SHB trong thời gian tới được thực hiện tốt, chủ trương thu hồi nợ xấu của Habubank cũ được thực hiện, thì SHB có thể giảm mạnh được con số lỗ trong năm 2012.