Anh Tuấn, giám đốc marketing một doanh nghiệp bán lẻ với mức lương trên 3.000 USD rời công ty cũ để chọn một bến đỗ mới từ 3 năm trước. Tuy nhiên, sau 5 lần chuyển việc, hơn một năm gần đây anh mới tìm được nơi chốn phù hợp và có thể gắn bó lâu dài.
"Một số nơi thì không phù hợp về định hướng phát triển, cách điều hành, không có tương lai hoặc môi trường làm việc quá tệ... Mức lương không phải là yếu tố quan trọng nhất khi tôi quyết định chuyển việc", anh Tuấn giải thích về lý do trong 3 năm sau khi nghỉ công ty cũ, cứ 4 tháng anh chuyển việc một lần.
Hai năm qua, anh Trung, giám đốc khối của một ngân hàng cũng thay đổi công việc đến 4 lần với những lý do tương tự. Có giai đoạn khoảng nửa năm do không tìm được công việc mới, anh làm freelancer (người làm nghề tự do) mặc dù suốt thời gian đó, anh gặp gỡ, tìm hiểu hàng chục cơ hội việc làm, lời mời đầu quân nhưng vẫn không có nơi phù hợp.
Một báo cáo của đơn vị nghiên cứu cho biết, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao trong năm 2017 liên tục tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ, có thời điểm cao gấp rưỡi. Diễn biến mới trong năm qua là trên thị trường nhu cầu tìm kiếm nhân sự cấp cao của các tập đoàn Việt Nam tăng mạnh. Điểm chung của các tập đoàn này là mong muốn phát triển một cách chuyên nghiệp sau một thời gian dài áp dụng các mô hình quản lý mang tính gia đình.
Tuy nhiên, ông Gaku Echizenya - Tổng giám đốc của Navigos Group Vietnam thừa nhận, những vị trí quản lý cấp cao không dễ dàng chuyển việc. "Nhân sự cấp cao Việt Nam không dịch chuyển công việc nhiều bằng một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan. Ở những nước này, họ có độ sẵn sàng để tiếp nhận những cơ hội hoặc những trải nghiệm mới. Độ sẵn sàng của họ từ trình độ chuyên môn đến kinh nghiệm quốc tế vẫn còn cao hơn khá nhiều nhân sự cấp cao Việt Nam", ông Gaku Echizenya nhận định.
Do đó, thực tế, theo chuyên gia đến từ Talentnet - công ty chuyên săn đầu người, việc để doanh nghiệp tìm kiếm được nhân sự quản lý phù hợp mất khá nhiều thời gian, thậm chí tính bằng năm. Bởi lẽ, chuyên gia này cho rằng, thị trường nhân sự cấp cao dù rất khan hiếm nhưng chất lượng và sự thích nghi với môi trường làm việc cũng là một trong những vấn đề đang được đặt ra.
Ở góc độ ứng viên, đại diện Talentnet thừa nhận, một nhân sự cấp cao để tìm một công việc đúng như kỳ vọng là không dễ dàng bởi lương không phải là sức hút lớn nhất đối với họ. Đó cũng là lý do khiến không ít doanh nghiệp đôi khi phải mất cả năm đeo bám một ứng viên để mời về đầu quân ở vị trí cấp cao.
Bà cũng cho biết, một hạn chế nữa là không ít doanh nghiệp Việt vẫn tuyển dụng nhân sự theo cách truyền thống là thông qua các kênh quen biết. Và ngược lại, kể cả những người có nhu cầu tìm việc cũng chủ yếu kết nối qua phương thức này. Đó cũng là lý do khiến nhân sự và nhà tuyển dụng không kết nối được với nhau hoặc không tìm được điểm gặp gỡ.
Thừa nhận về thực tế này, CEO của Navigos Group Vietnam cũng cho rằng, tại Việt Nam, khi nhân sự cấp cao có ý định chuyển việc thường “đánh tiếng” thông qua các mối quan hệ cá nhân, chuyên gia tư vấn tuyển dụng hoặc kênh thông tin đặc thù như hiệp hội doanh nghiệp. Theo ông, điều đặc biệt quan trọng đối với những ứng viên cấp cao này là tính bảo mật cho thông tin về việc họ đang sẵn sàng cho cơ hội mới, bởi lẽ những thông tin này, nếu bị tiết lộ, sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý đối với đội ngũ nhân viên hiện tại của họ. Do vậy, những kênh tuyển dụng nào muốn thu hút được ứng viên cấp cao sẽ cần lưu ý đến vấn đề bảo mật thông tin.
Gần đây, dựa trên nhu cầu thị trường, một đơn vị còn xây dựng nền tảng website dành riêng cho vị trí quản lý cấp cao có mức lương từ 3.000 USD trở lên nhằm kết nối ứng viên với chuyên gia tư vấn và nhà tuyển dụng. Ở đó, các công việc và hồ sơ ứng viên đều được thẩm định, các dữ liệu trên nền tảng website này sẽ được bảo mật.