“Sell in May” năm nay đã khác

“Sell in May” năm nay đã khác

(ĐTCK) “Sell in May and go away” là một câu nói phổ biến trên thị trường chứng khoán nhưng thời điểm hiện tại lại không giống như các năm trước khi đại dịch đã làm thay đổi nhiều thứ trong năm nay.

Cổ phiếu ở thị trường chứng khoán Mỹ đã ở mức cao kỷ lục vào đầu năm, chịu áp lực bán tháo mạnh khi Covid-19 xuất hiện và đã hồi phục mạnh mẽ trong tháng 4.

Trong giai đoạn hiện tại, các nhà đầu tư rất quan tâm đến đà hồi phục của thị trường vừa qua liệu chỉ là một cú hồi thoáng qua hay lại là dấu hiệu cho một đợt sụt giảm vào cuối năm.

Một số yếu tố chính đã thúc đẩy sự lạc quan của thị trường chứng khoán:

Triển vọng hồi phục: Một số nhà đầu tư tham gia thị trường kỳ vọng rằng, với việc mở lại nền kinh tế theo từng giai đoạn và nới lỏng các biện pháp phong tỏa, quá trình phục hồi sẽ sớm bắt đầu.

Goldman Sachs trong một ghi chú hồi tháng trước cho biết, họ đang kỳ vọng mức tăng trưởng GDP của Mỹ là 4% vào năm 2021, 3% vào năm 2022 và sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường gần đây đang phản ánh sự lạc quan của một bước ngoặt kinh tế.

Phương pháp chữa trị Covid-19: Bác sĩ David Ho, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu AIDS Aaron Diamond ở thành phố New York, nơi tiên phong trong phương pháp điều trị HIV cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNBC rằng: khoa học sẽ giúp tìm ra cách chữa trị Covid-19.

Tạm thời, các chính phủ sẽ cần phải chờ đợi một thời gian, nhưng những nhà đầu tư tham gia thị trường đang kỳ vọng rằng một số nỗ lực nghiên cứu và phát triển đang diễn ra trên toàn cầu để tìm ra một phương pháp điều trị hoặc vacxin trong tương lai gần sẽ sớm có kết quả.

Các gói kích thích kinh tế của Fed: Các nhà phân tích tin rằng các gói kích thích khổng lồ do Fed công bố dự kiến sẽ bù đắp một phần tổn thất trong sản lượng kinh tế do Covid-19.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết vào cuối tháng trước rằng, cần có nhiều kích thích hơn để đảm bảo sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ từ sự bùng phát của Covid-19.

Giá dầu ổn định: Các nhà phân tích dầu mỏ dự kiến nhu cầu dầu sẽ tăng trong những tháng tới do sự hồi sinh trong hoạt động kinh tế. Nhu cầu mạnh hơn cùng với việc cắt giảm nguồn cung đã được các nhà sản xuất lớn công bố sẽ hỗ trợ giá dầu trong tương lai.

Một trong những doanh nhân giàu nhất nước Anh, GP Hinduja nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn độc quyền rằng, dầu có thể quay trở lại mức 40-50 USD mỗi thùng trong thời gian dài.

Một tỷ phú khác, Naguib Sawiris đến từ Ai Cập thậm chí còn cho rằng, dầu còn tăng giá hơn và sẽ đạt 100 USD mỗi thùng trong 18 tháng.

Trong khi tháng 5 là thời điểm quan trọng để đánh giá chất lượng hồi phục cùa nền kinh tế sau mở cửa, các nhà phân tích vẫn cảnh báo nhà đầu tư về một số rủi ro tiềm tàng:

Căng thẳng Mỹ - Trung: Các thị trường đã kỳ vọng rằng, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm đi sau khi ký kết Giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, sự lan rộng toàn cầu của Covid-19, đặc biệt là Mỹ đang có nhiều trường hợp nhiễm hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, cũng như tác động gây tổn hại của đại dịch đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đã làm dấy lên mối lo ngại rằng quan hệ song phương Mỹ - Trung có thể xấu đi.

“Trong một năm bầu cử Tổng thống ở Mỹ, rủi ro chính trị và căng thẳng thương mại Mỹ- Trung giống như một cái gì đó sẽ đón đầu. Đó có lẽ là mối quan tâm số một trên thị trường khi chúng tôi nói chuyện với các nhà đầu tư và các nhà phân tích”, ông Ziwei Zhang, Chủ tịch và Nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết.

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ 2: Một số quốc gia đang làm tốt hơn các quốc gia khác trong việc chống dịch. Nhưng trong một thế giới giao thương với nhau, nguy cơ của làn sóng thứ hai là có thật. Syra Madad, chuyên gia về mầm bệnh cho rằng: “chúng ta sẽ thấy nhiều làn sóng lây nhiễm hơn vì virus vẫn còn ở ngoài đó”.

Với những thông tin kỳ vọng và rủi ro hiện hữu, nhà đầu tư vẫn đang gặp khó khăn trong việc xác định xu hướng ngắn hạn của thị trường.

“Trong thời điểm hiện tại, thị trường đã tăng điểm mạnh mẽ khi chúng ta đang chờ đợi kết quả từ việc mở cửa và nguy cơ của làn sóng lây nhiễm thứ 2. Thị trường đã phản ứng tốt với những kỳ vọng tích cực và cần có thêm sự xác nhận trước khi thị trường có thể tiến xa hơn”, theo Jurrien Timmer, Giám đốc toàn cầu tại Fidelity Investments.

Tin bài liên quan