Sẽ tiếp tục duy trì trạng thái lình xình

Sẽ tiếp tục duy trì trạng thái lình xình

(ĐTCK) Các CTCK cho rằng, thị trường sẽ duy trì trạng thái lình xình thêm vài phiên nữa trước khi quyết định xu thế mới.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 16/8.

 Sẽ tiếp tục duy trì trạng thái lình xình ảnh 1

Thị trường sẽ tiếp tục duy trì trạng thái lình xình

(CTCK BIDV - BSC)

Ngày 15/8, hai sàn giao dịch trái chiều. Kết thúc phiên giao dịch, Vn-Index tăng 1,3 điểm (+0,30%) lên 430,77 điểm; HNX-Index giảm 0,17 điểm (-0,24%) xuống 70,15 điểm. Thanh khoản phiên 15/8 tăng nhẹ. Loại trừ giao dịch thỏa thuận, khối lượng khớp lệnh lên mức 31 triệu đơn vị trên HSX và 27 triệu trên HNX. Tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn giữ ở  mức gần 1300 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng 5,3 tỷ đồng trên HSX nhưng lại bán ròng -7,5 tỷ đồng trên HNX. Các mã DPM, GAS, MBB được mua vào nhiều nhất. Phía ngược lại, họ bán ròng chủ yếu các mã ngân hang như VCB, CTG, STB, HBB.

Trên HSX, VNM tiếp tục tăng mạnh lên 115.000 đồng/cp. Đáng chú ý có PVF giao dịch đột biến lên sát trần khi có thông tin Ngân hàng miền Tây (Westernbank) có thể sẽ được chuyển nhượng cho PVF. Trên HSX, các cổ phiếu chủ chốt đa phần giảm nhẹ, trong khi HBB lại gây chú ý khi tăng điểm với khối lượng lớn ( 6,6 triệu).

Nói chung, phiên giao dịch 15/8 không mang lại thông tin mới về xu thế. Thị trường giao dịch tương đối mờ nhạt, vẫn chỉ có 1 vài cổ phiếu riêng lẻ gây được sự chú ý do có thông tin đột biến. Thanh khoản giữ ở mức trung bình khá.  Diễn biến hiện tại cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang khá ổn định và rủi ro cho thị trường hiện đang ở mức thấp. Tuy nhiên hầu như không có cơ sở ủng hộ cho động lực đi lên của thị trường hiện tại. Do đó, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục duy trì trạng thái lình xình thêm một thời gian nữa trước khi quyết định xu thế mới.

 

HNX-Index có thể tiếp tục giằng co

(CTCK  ACB - ACBS)

VN-Index có phiên tăng điểm thứ 2 ngày 15/8. Tuy nhiên, xu hướng chính của phiên 15/8 là đi ngang trong phiên độ hẹp. Hơn thế, số mã giảm nhiều hơn số mã tăng, không củng cố phiên tăng. Khối lượng giao dịch cải thiện là yếu tố tích cực đáng chú ý.

Trong các phiên tới, VN-Index có thể tiếp tục giằng co đi ngang. Các phiên tăng, nếu có, sẽ củng cố breakout của VN-Index ra khỏi mô hình Inverse Head & Shoulders. Ở chiều giảm, chỉ báo CMI(20) hình thành phân kỳ nhẹ.

Trong phiên giao dịch 15/8, PVF và DPM đã hình thành các breakout tích cực và có thể tiếp tục tăng điểm trong các phiên tới. Tuy nhiên, các ngưỡng kháng cự tiếp theo của những mã này rất mạnh nên có thể chuỗi tăng điểm sẽ sớm kết thúc.

Tích cực hơn, chỉ báo VN30-Index, gồm những mã vốn hóa lớn, đã hình thành mô hình Inverse Head & Shoulders và đang hướng tới mức giá mục tiêu 440.

Ngược với VN-Index, HNX-Index đi ngang trong sắc đỏ trong suốt phiên giao dịch ngày 15/8. Khối lượng giao dịch cải thiện nhẹ nhưng không cho nhiều ý nghĩa.

Trong các phiên tới, HNX-Index có thể tiếp tục giằng co.

Tương tự chỉ số HNX-Index, nhiều mã dẫn dắt thành viên cũng đang giằng co trong mô hình Triangle. Các breakout, nếu xảy ra, nhiều khả năng sẽ giúp HNX-Index hình thành các con sóng dài tăng hoặc giảm.

 

Sự phân hóa giữa 2 chỉ số có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn

(CTCK Dầu khí -  PSI)

Sự phân hóa giữa chỉ số VN-Index và HNX-Index có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong những phiên sắp tới. Trên HSX, thanh khoản có một chút tích cực và diễn biến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là những yếu tố hỗ trợ cho sự tăng điểm chỉ số VN-Index. Ngược lại, trên HNX thanh khoản vẫn không có cải thiện nào tích cực hơn, một phân kì âm bắt đầu xuất hiện trên công cụ dòng tiền và cho thấy áp lực bán tăng dần khi chỉ số tới gần vùng kháng cự 72 điểm. Trên khía cạnh khác, chỉ số HNX-Index cũng không nhân được nhiều sức hỗ trợ từ các mã cổ phiếu vốn hóa lớn và dòng tiền tham gia HNX phần nhiều mang tính chất ngắn hạn.

 

Thị trường đã tiếp cận vùng cơ sở để mua trung hạn đối với chỉ số VN INDEX

(CTCK Woori CBV )

Hai sàn có diễn biến trái chiều vào cuối phiên, khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/8 chỉ số VN INDEX tăng 1.3 điểm (0.3%) lên 430.77 điểm.

Khối lượng cổ phiếu được chuyển nhượng khoảng 39.6 triệu cổ phiếu tương đương với giá trị giao dịch là 968.6 tỷ đồng. Tương tự chỉ số HNX INDEX giảm 0.17 điểm (0.24%) xuống 70.14 điểm, khối lượng chuyển nhượng khoảng 33.17 triệu cổ phiếu tương đương với giá trị giao dịch là 295 tỷ đồng.

Hai sàn đều tăng điểm ở đầu phiên, tuy nhiên số mã giảm giá vẫn chiếm ưu thế hơn so với số mã tăng giá. Về cuối phiên những mã trụ cột bên HNX chuyển sang giảm giá, đã kéo theo chỉ số của sàn này sang sắc đó bất chấp VNINDEX tăng 1.3 điểm.

Mặc dù xu hướng chính vẫn là tăng điểm, nhưng có sự phân hóa mạnh giữa các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt và các cổ phiếu còn lại. Vì vậy những cổ phiếu như VNM, VPK, PGD… vv vẫn tiếp tục tăng mạnh, trong khi đó đa số lại giảm điểm. Điều này cũng có tác dụng rất tốt trong việc hãm đà gia tăng thái quá của thị trường, tạo cơ sở cho 1 đợt hồi phục mạnh và bên hơn so với những lần thất bại trước đó.

Về phương diện kỹ thuật,  cả hai sàn đều có diễn biến trái chiều vào cuối phiên với khối lượng được giữ ổn định so với phiên giao dịch trước đó, đồng thời các cổ phiếu dẫn đầu trên cả 2 sàn vẫn có đà tăng giá ngắn hạn cho thấy thị trường chưa có dấu hiệu bất ổn. Vì vậy chúng tôi có khuyến nghị tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại, và chỉ cơ cấu đối với những mã kém hiệu quả  để đợi thời điểm gia tăng vị thế mua trong những phiên sắp tới. Ngoài ra thị trường đã tiếp cận vùng cơ sở để mua trung hạn đối với chỉ số VN INDEX, nên rất có thể sẽ có 1 số phiên giao dịch đi ngang ở ngưỡng này để hình thành hướng đi sau đó.  

 

HNX-Index khả năng sẽ tiếp tục dao động trong khoảng 70 điểm

(CTCK FPT - FPTS)

Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/08 với diễn biến trái chiều trên hai sàn giao dịch, trong khi VN-Index đóng cửa với mức tăng 1,3 điểm lên 430,77 điểm thì HNX-Index giảm nhẹ 0,17 điểm xuống 70,15 điểm. Tuy nhiên, nhìn chung trên cả 2 sàn giao dịch dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Sàn HOSE chứng kiến diễn biến "xanh vỏ đỏ lòng" khá rõ rệt khi vai trò nâng đỡ cho VN-Index chủ yếu dựa vào một số mã trụ cột tăng khá tốt như VNM, DPM, PVF … Còn thực tế, trên bảng điện tử số mã giảm vẫn chiếm phần hơn.

Theo đó, chúng tôi cho rằng trong các phiên tới, khi lực đỡ đến từ các mã cổ phiếu lớn kết thúc và các chỉ số tiến dần lên các ngưỡng chặn trên thì khả năng thị trường sẽ đảo chiều giảm điểm trở lại. Vì vậy, nhà đầu tư lướt sóng nên tránh mua đuổi trong các vùng giá cao, cân nhắc chốt lời. Việc chọn lọc một danh mục với mã chứng khoán có cơ bản tốt sẽ giúp giảm thiểu rủi ro thị trường trong giai đoạn này.

 

Nhiều khả năng giai  đoạn  đi ngang sẽ kéo dài thêm từ 1-2 tuần nữa

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Diễn biến cân bằng và phân hóa vẫn là đặc điểm chính trong phiên giao dịch ngày 15/8. Trong khi  đa số các cổ phiếu có tính thanh khoản tốt trên cả 2 sàn đều chỉ dao động quanh mức giá tham chiếu thì vẫn có một số mã bluechips trên HoSE tăng điểm khá tích cực như DPM, EIB, PVF và VNM. Lý do tăng điểm của các mã cổ phiếu này bên cạnh yếu tố cơ bản còn xuất phát từ các thông tin chuyển nhượng hoặc chia tách cổ phiếu.

Với bối cảnh không có nhiều thông tin tác động mạnh đến diễn biến thị trường, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng giai  đoạn  đi ngang này sẽ còn kéo dài thêm từ 1-2 tuần nữa. Sự tiết chế cung giá thấp và sự thận trọng của lực cầu trên vùng giá cao khiến cả hai chỉ số rất khó có thể có biến động mạnh. Mặc dù có phần thiên về khả năng thị trường sẽ còn những nhịp “nảy lại” trong giai đoạn đi ngang này nhưng chúng tôi cho rằng cơ hội hồi phục cũng không phải là vượt trội và rất khó kéo dài. Rủi ro T+4 sẽ tương đối cao cho các giao dịch mua mới. Các nhà đầu tư vẫn  được khuyến nghị bám theo xu hướng chính - hiện  đang là giảm điểm - thực hiện trải lệnh bán xuống từng phần trong các nhịp hồi phục chạm kháng cự của thị trường, vùng 71,5 hoặc tích cực hơn là 72,5-73 điểm đối với chỉ số HNXINDEX.