Sẽ thúc đẩy các ngân hàng lên sàn

Sẽ thúc đẩy các ngân hàng lên sàn

(ĐTCK) Một loạt ngân hàng thương mại cổ phần sẽ phải xem xét kế hoạch niêm yết trên TTCK trong thời gian tới, theo sự đốc thúc của UBCK và NHNN.

Thông tin từ Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Vũ Bằng cho biết, để thực hiện công tác tạo hàng cho TTCK, UBCK đã có cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và thống nhất quan điểm, sẽ thúc đẩy các ngân hàng cổ phần đại chúng lên sàn.

Sẽ thúc đẩy các ngân hàng lên sàn ảnh 1

Hiện có khoảng 30 ngân hàng thương mại cổ phần đại chúng chưa niêm yết

Dự kiến, NHNN sẽ có công văn thúc đẩy các ngân hàng thương mại cổ phần về việc niêm yết trong thời gian tới, bởi NHNN quan niệm rằng, niêm yết mang lại nhiều giá trị tích cực cho các ngân hàng nói riêng, cho công tác quản lý nói chung, xuất phát từ áp lực minh bạch thông tin theo quy định pháp lý.

Một lý do quan trọng nữa hối thúc các ngân hàng đại chúng lên sàn là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2013/NĐ-CP, quy định, doanh nghiệp huy động vốn từ công chúng sau 1 năm, phải đưa cổ phiếu lên sàn. Nếu không thực hiện nghĩa vụ này, doanh nghiệp sẽ bị phạt nặng, đồng thời pháp luật cho phép cổ đông của doanh nghiệp có quyền đề xuất rút lại khoản vốn đã góp vào doanh nghiệp.

Hiện có khoảng 30 ngân hàng thương mại cổ phần đại chúng chưa niêm yết, như Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn, An Bình, Bản Việt, Bắc Á, Dầu khí Toàn cầu, Gia Định, Hàng hải Việt Nam, Kiên Long, Kỹ thương Việt Nam, Nam Á, Phát triển Mê Kông, Phát triển TP. HCM, Phương Nam, Phương Đông, Quốc tế Việt Nam, Tiên Phong, Việt Nam Thịnh Vượng, Xây dựng Việt Nam, Việt Á, Xăng dầu Petrolimex, Bưu điện Liên Việt, Bảo Việt, Đông Nam Á…

Các ngân hàng trên, theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, đã và đang thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn, được quy định tại Thông tư 52/2012/TT-BTC.

Theo đó, định kỳ hàng quý, các ngân hàng phải công khai báo cáo tài chính quý ra công chúng, đồng thời cũng phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin bất thường, công bố thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

Rõ ràng, với các ngân hàng kể trên, áp lực phải công bố thông tin không phải là lý do khiến họ chậm niêm yết, vậy vì sao các ngân hàng chưa niêm yết?

Có lẽ TTCK khó khăn, chưa tạo động lực mới để hỗ trợ các ngân hàng quảng bá tên tuổi, tìm đối tác mới, vốn mới… là nguyên nhân chính khiến khối doanh nghiệp đặc thù này chậm lên sàn.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đang phải đặt mục tiêu tái thiết, tái cơ cấu để tồn tại, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, nợ xấu lớn, lên hàng đầu, nên chưa tự tin niêm yết.

Còn nhớ giai đoạn năm 2006-2008, TTCK Việt Nam thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng đầu tư trong và ngoài nước, đã giúp nhiều ngân hàng, kể cả chưa niêm yết, thực hiện thành công việc tăng vốn lên hàng chục, hàng trăm lần, chuyển đổi hoạt động một cách mạnh mẽ.

Hiện nay, nhà quản lý muốn đốc thúc các ngân hàng lên sàn, nhằm tạo thêm sức hấp dẫn các dòng vốn lớn, tạo thêm sự minh bạch, vì lợi ích chung của nền kinh tế. Thời điểm các ngân hàng cân nhắc đến việc lên sàn đã đến, dù trước mắt, khả năng TTCK bứt phá vẫn chưa thực sự rõ ràng.