Sẽ tăng cường truyền thông về gói 30.000 tỷ đồng

(ĐTCK) Ông Nguyễn Việt Cường, Trưởng phòng Chính sách sản phẩm bán lẻ Vietcombank dự báo, thị trường BĐS sẽ khởi sắc hơn trong năm 2014, Vietcombank dự kiến sẽ có nhiều hoạt động nhằm đẩy vốn ra thị trường này.
Sẽ tăng cường truyền thông về gói 30.000 tỷ đồng

Tính đến thời điểm hiện nay, Vietcombank đã chốt cho vay cũng như giải ngân bao nhiêu tiền theo chương trình hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, thưa ông?

Tính đến thời điểm 25/12/2013, Vietcombank đã đồng ý cho vay 177 tỷ đồng trong gói 30.000 tỷ đồng. Trong đó, số tiền đã giải ngân là 122 tỷ đồng, cho vay 460 khách hàng. Theo thông tin chúng tôi được biết thì đến ngày 15/12/2013, toàn bộ chương trình này mới được giải ngân khoảng 555 tỷ đồng, chiếm 2% tổng giá trị của gói hỗ trợ, đó là một con số thấp. Theo tôi, có một số nguyên nhân sau khiến tốc độ giải ngân chậm.

Thứ nhất, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá dưới 15 triệu đồng/m2, diện tích dưới 70 m2 để người dân lựa chọn. Việc xem xét chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp với tiêu chí vay đang rất chậm.

Thứ hai, việc giải ngân cho vay mua nhà ở xã hội/thương mại phụ thuộc vào tiến độ dự án, các khách hàng chưa phải thanh toán ngay toàn bộ số tiền mua nhà, nên số tiền giải ngân vẫn còn hạn chế.

Thứ ba, nhà ở là một tài sản lớn với mỗi gia đình Việt Nam, đặc biệt với người thu nhập thấp, trong khi kinh tế còn khó khăn, nhu cầu mua nhà của người dân bao gồm cả nhà ở xã hội ở mức rất thấp, đây có thể xem là nguyên nhân chính khiến cho tốc độ giải ngân Chương trình hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng bị chậm.

Năm 2014, Vietcombank sẽ có những động thái gì để đẩy mạnh cho vay gói 30.000 tỷ đồng?

Là 1 trong 5 ngân hàng được chọn tham gia cho vay chương trình này, năm 2014, Vietcombank tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cho vay theo gói 30.000 tỷ đồng thông qua hàng loạt biện pháp như tăng cường công tác quảng cáo, truyền thông về ý nghĩa của chương trình, thông báo chi tiết về hồ sơ, thủ tục vay vốn để người dân hiểu và nắm rõ chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở; liên kết với chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng cá nhân vay vốn tại các dự án này dễ dàng hơn…

Theo ông, thị trường BĐS năm 2014 sẽ diễn biến ra sao?

Có nhiều đánh giá cho rằng, năm 2013 là năm khó khăn nhất của thị trường BĐS, tuy nhiên theo thông tin chúng tôi được biết, từ tháng 11 đến nay, lượng giao dịch BĐS đã dần tăng lên, nhất là trong phân khúc nhà ở có giá vừa phải.

Theo dõi tại Vietcombank, số các khoản vay cho cá nhân để mua nhà cũng đã tăng, đặc biệt là trong 2 tháng cuối năm. Với sự nỗ lực của các nhà quản lý trong việc đưa ra các giải pháp vực dậy thị trường này, cùng những tín hiệu tích cực của sự phục hồi nền kinh tế vĩ mô năm 2014, sự vào cuộc của các ngân hàng, tôi cho rằng, thị trường BĐS năm 2014 sẽ có nhiều hứa hẹn khởi sắc.

Với kỳ vọng đó công với việc nhu cầu của người dân trong việc mua nhà ở vẫn chưa được các ngân hàng đáp ứng tốt, trong năm 2014, Vietcombank sẽ dự kiến sẽ đẩy mạnh hoạt động cho vay cá nhân/hộ gia đình mua nhà, cho vay hỗ trợ mua nhà ở xã hội/thương mại. Đồng thời, sẽ tăng cường công tác quảng cáo và hoạt động liên kết phối hợp với chủ đầu tư, phấn đấu dư nợ cho vay nhà ở xã hội và dư nợ mua nhà nói chung tăng ở mức cao hơn năm 2013.

Tin bài liên quan