Thị trường sẽ ghi nhận thêm nhiều con số lợi nhuận ấn tượng từ khối CTCK

Thị trường sẽ ghi nhận thêm nhiều con số lợi nhuận ấn tượng từ khối CTCK

Sẽ có thêm công ty chứng khoán báo lãi khủng

(ĐTCK) Quý I/2014, thanh khoản TTCK tăng mạnh, cộng với diễn biến tích cực về giá cổ phiếu, giúp các CTCK ghi nhận lợi kép, cả từ hoạt động đầu tư lẫn dịch vụ môi giới - tài chính.

Thu nhập lớn từ hoàn nhập dự phòng, tự doanh

Tại CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), cuối năm 2013, số dư đầu tư vào cổ phiếu SHB là 22,53 triệu cổ phiếu, với giá mua xấp xỉ 9.200 đồng/CP, nhưng thị giá giảm còn 6.900 đồng/CP, tương đương tổng số tiền SHS phải trích lập đến thời điểm trên cho khoản đầu tư này là hơn 51 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết quý I/2014, giá cổ phiếu SHB tăng vọt lên 11.100 đồng/CP, nếu tỷ lệ sở hữu tại SHB giữ nguyên, SHS sẽ ghi nhận hơn 51 tỷ đồng lợi nhuận từ hoàn nhập khoản đầu tư vào cổ phiếu này.

Do không có thuyết minh chi tiết về sở hữu cổ phần của SHS tại thời điểm 31/12/2013 nên rất khó để NĐT dự báo thu nhập của SHS từ việc hoàn nhập dự phòng, nhưng chỉ tính riêng khoản đầu tư vào SHB, thu nhập từ SHS đã rất lớn. Nếu hiện thực hóa danh mục này, SHS thậm chí có thể kiếm thêm khoảng 45 tỷ đồng cho tự doanh từ SHB. Đây có thể là lý do khiến cổ phiếu SHS những ngày vừa qua tăng giá mạnh, đạt 12.200 đồng/CP.

Đầu tháng 4 vừa qua, CTCP Chứng khoán Kim Long (KLS) công bố báo cáo tài chính quý I/2014 với mức lãi sau thuế 91,627 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức gần 50,984 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Đóng góp vào mức lãi này của KLS chủ yếu là hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán và thu nhập tự doanh do cơ cấu lại danh mục. Quý I/2014, KLS hoàn nhập dự phòng gần 22 tỷ đồng, ghi nhận lãi tự doanh xấp xỉ 79,7 tỷ đồng.

Đến cuối quý I/2014, KLS đã giảm mạnh hoạt động tự doanh, đưa tổng giá trị chứng khoán niêm yết xuống 81,115 tỷ đồng, trong khi cuối năm 2013, con số này là 284,467 tỷ đồng. Thay đổi trạng thái từ nắm giữ cổ phiếu sang tiền mặt, trong khi mở rộng hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ, dường như KLS đang kỳ vọng, sau thu nhập đột biến từ tự doanh là mở rộng dịch vụ môi giới và dịch vụ tài chính cho NĐT.

Hầu hết CTCK khác, dù ít hay nhiều, đều ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng từ đầu tư chứng khoán niêm yết do diễn biến tích cực của thị trường. Không những thế, thay đổi về giá cũng là điều kiện giúp CTCK đẩy mạnh thu nhập từ hoạt động tự doanh.

Môi giới và dịch vụ tài chính tăng cao

Có thị phần môi giới giao dịch thuộc hàng cao nhất toàn thị trường, CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC, mã HCM) không đẩy mạnh hoạt động tự doanh, mà chủ yếu lấy mảng cung cấp dịch vụ làm căn cứ để duy trì và tăng trưởng hiệu quả kinh doanh.

Thị phần môi giới cao có sự đóng góp không nhỏ của nhóm NĐT ngoại, nhưng với HSC, dịch vụ tài chính từ đầu năm 2014 đến nay có sự tăng trưởng mạnh. Dữ liệu công bố của HSC cho thấy, dư nợ cho vay khách hàng giao dịch ký quỹ lên tới 1.500 tỷ đồng vào tháng 2/2014, tăng 50% so với cuối năm 2013 (1.000 tỷ đồng), gấp 3 lần đầu năm 2013. Lãi suất dù giảm, nhưng với số dư cho vay tăng, thu nhập từ mảng cho vay giao dịch ký quỹ vẫn có đóng góp lớn vào lợi nhuận của HSC.

Tương tự, tại nhiều CTCK khác, số liệu sơ bộ mà ĐTCK thu thập được cho thấy, tăng trưởng mảng môi giới thời gian vừa qua dù đóng góp không lớn vào thu nhập của CTCK, nhưng là tiền đề giúp các công ty đẩy mạnh mảng dịch vụ tài chính. Từ chỗ thừa nguồn, không ít CTCK đã phải sử dụng các dịch vụ theo hình thức hợp đồng tín dụng ba bên để đảm bảo nguồn tiền cho khách hàng giao dịch. Tất nhiên, cung cấp dịch vụ luôn đi kèm với thu phí, góp phần không nhỏ trong cải thiện nguồn thu của CTCK.

CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã công bố ước lợi nhuận trước thuế quý I/2014 gần 303 tỷ đồng, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ước đạt 35 tỷ đồng, CTCP Chứng khoán VNDirect ước đạt trên 59 tỷ đồng… Tất cả đều là những con số khả quan. Trong những ngày tới, khi thời hạn công bố báo cáo tài chính quý đến gần, nhiều khả năng thị trường sẽ ghi nhận thêm nhiều con số lợi nhuận ấn tượng từ khối CTCK.  

Tin bài liên quan