Ông Trần Thanh Tân

Ông Trần Thanh Tân

"Sẽ có làn sóng lập quỹ mở trong năm 2013"

(ĐTCK) “Chuyển động từ cơ quan quản lý và các công ty quản lý quỹ cho thấy, sẽ xuất hiện làn sóng lập quỹ mở trong năm 2013…”.

Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), Chủ tịch Câu lạc bộ Quản lý quỹ Việt Nam dự báo.

Ông ghi nhận bước chuyển động nào từ cơ quan quản lý, để đưa ra nhận định sẽ xuất hiện làn sóng lập quỹ mở trong năm nay?

Tâm điểm của bước chuyển động này là Đề án thí điểm triển khai mô hình bảo hiểm hưu trí tự nguyện, đang được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính phối hợp với các bên tham gia xây dựng (trong đó, có các công ty quản lý quỹ) khẩn trương hoàn tất, để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu thuận lợi, đề án này sẽ được triển khai vào giữa năm nay. Điều này không chỉ tạo bước ngoặt trong nâng cao tính đa dạng và bền vững cho hệ thống an sinh xã hội, mà còn mở ra cơ hội lớn cho ngành quản lý quỹ Việt Nam phát triển sôi động hơn trong tương lai gần.

 

Ông có thể phân tích rõ hơn vai trò của các công ty quản lý quỹ khi triển khai Đề án thí điểm bảo hiểm hưu trí tự nguyện?

Theo kinh nghiệm quốc tế, hệ thống quỹ mở do các công ty quản lý quỹ quản lý có vai trò rất quan trọng khi triển khai đề án này. Nguồn vốn từ chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện sẽ được phân bổ đầu tư qua các quỹ mở chuyên đầu tư vào trái phiếu chính phủ, thị trường tiền tệ, thị trường cổ phiếu…, do các công ty quản lý quỹ quản lý và vận hành. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển mới cho các công ty quản lý quỹ.

 

Để đón đầu cơ hội phát triển này, khối công ty quản lý quỹ đang có những động thái gì, thưa ông?

Nhiều thành viên Câu lạc bộ Quản lý quỹ Việt Nam đang có những bước chuẩn bị tích cực cho sự ra đời của quỹ mở. Đơn cử như VFM, năm nay, ngoài mục tiêu cho ra thị trường 3 sản phẩm là quỹ trái phiếu, quỹ đầu tư chỉ số và quỹ ETF (khi quy định pháp lý cho phép), VFM đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi các quỹ đóng VFA và VF1 thành quỹ mở. Những diễn biến này cho thấy, sẽ xuất hiện làn sóng thành lập quỹ mở trong năm 2013.

 

Khi hàng loạt quỹ mở được đưa vào vận hành, dòng tiền cho TTCK sẽ gia tăng, theo ông?

Đây là chuyện đương nhiên. Do đặc thù vận hành của chương trình hưu trí tự nguyện, nên dòng tiền từ quỹ này chảy vào TTCK thông qua hệ thống quỹ mở, có tính ổn định cao và bền vững. Điều quan trọng nữa là việc triển khai đề án này còn thiết lập thêm một kênh dẫn vốn từ khu vực nhàn rỗi vào các lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế.

 

Trong quá trình xây dựng Đề án, một số ý kiến quan ngại việc dẫn vốn từ chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện vào TTCK là tạo ra rủi ro lớn cho quỹ hưu trí tự nguyện?

Thậm chí, có ý kiến phê phán gay gắt rằng, làm như vậy chẳng khác nào lấy tiền lương hưu để giành của người lao động đem đi “đánh bạc”. Cách nhìn nhận này là rất lệch lạc và không hiểu bản chất mô hình vận hành của quỹ hưu trí tự nguyện.

Không riêng gì Việt Nam , thông lệ quốc tế cũng đều thống nhất quan điểm rằng, nguồn tiền trong quỹ hưu trí tự nguyện là tiền lương hưu, tiền để giành của người lao động. Do đó, khi thiết kế cơ chế vận hành đề án thí điểm quỹ hưu trí tự nguyện, luôn phải thỏa mãn yêu cầu số 1 là đảm bảo an toàn cho quỹ. Điều này giải thích tại sao phần lớn nguồn tiền từ quỹ được đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Phần còn lại được đầu tư vào thị trường tiền tệ, hay thị trường cổ phiếu, nhưng phải đáp ứng các yêu cầu rất khắt khe, nhằm đảm bảo an toàn cho quỹ hưu trí tự nguyện.

 

Ngoài hai quỹ đầu tư trái phiếu đã được thành lập, VFM cũng như khá nhiều công ty quản lý quỹ khác cũng có ý định cho ra đời sản phẩm tương tự. Diễn biến này dự báo sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh nảy lửa trong huy động vốn cho các quỹ đầu tư trái phiếu. Với những sản phẩm ra đời muộn như quỹ trái phiếu của VFM, làm thế nào để tạo ra ưu thế cạnh tranh, thưa ông?

Thực ra, miếng bánh thị phần đầu tư trên thị trường trái phiếu hiện rất lớn, nên mang lại nhiều cơ hội đầu tư cho các công ty quản lý quỹ. Vấn đề mấu chốt để các công ty quản lý quỹ tạo ra ưu thế cạnh tranh cho quỹ đầu tư trái phiếu nói riêng, các loại hình quỹ mở khác nói chung chính là hiệu quả đầu tư. Yếu tố này chỉ có thể được nâng cao khi các công ty quản lý quỹ cạnh tranh lành mạnh với nhau trong một môi trường minh bạch, bình đẳng.

 

Góp tiền vào quỹ hưu trí tự nguyện được trừ khỏi thu nhập tính thuế

Cơ chế ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích phát triển quỹ hưu trí tự nguyện, qua đó hỗ trợ cho sự phát triển của ngành quỹ, đã định hình rõ tại Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Nội dụng này đã được cụ thể hóa trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNCN và Luật sửa đổi Luật Thuế TNCN, mà Bộ Tài chính vừa hoàn thiện. Theo đó, miễn thuế đối với tiền lương hưu nhận được hàng tháng từ quỹ hưu trí tự nguyện chi trả, thu nhập nhận được hàng tháng từ các sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Mức đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập tính thuế.

Với quy định trên, hình thức ưu đãi thuế được áp dụng cho cả đầu vào và đầu ra của quỹ. Theo đó, miễn thuế đối với phần đóng góp vào quỹ, cũng như phần lợi nhuận mà người lao động được chia từ quỹ.

Đặc biệt, tính đồng bộ của cơ chế ưu đãi thuế cho quỹ hưu trí tự nguyện, đã được thể hiện rõ nét. Trong dự thảo luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ, đưa ra quy định mới là khoản chi đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện, hoặc quỹ an sinh xã hội cho người lao động theo quy định của pháp luật, DN được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế... Theo Bộ Tài chính, việc đồng bộ hóa các ưu đãi về thuế cho quỹ hữu trí tự nguyện, nhằm góp phần phát triển TTCK, hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội.