Với định hướng xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, dự thảo Luật hướng tới kiến tạo một mô hình phát triển mới tại các vùng có những thể chế, chính sách có tính đột phá, vượt trội so với trong nước và cạnh tranh với quốc tế, tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch để phát triển.
Chia sẻ về mục tiêu và cơ sở cần thiết của việc xây dựng Luật, tại cuộc thảo luận trao đổi thông tin về dự án Luật chiều nay, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết việc xây dựng dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là nhằm thể chế hóa chủ trương quan điểm, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế đã được thông qua tại các kỳ Đại hội VIII,X,XI và XII của Đảng.
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định nhiệm vụ “Xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá”.
Đây cũng là khung pháp lý quan trọng tạo nền tảng cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thành lập, đồng thời là bước cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt này.
Ông Trần Duy Đông cho biết những chính sách kinh tế- xã hội được đề xuất đưa vào trong Luật bao gồm việc tập trung xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi thông qua việc thực hiện mở cửa thị trường tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với mức cao hơn các khu vực khác, đảm bảo cạnh tranh quốc tế thông qua quy định điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài như nhà đầu tư trong nước trong các ngành, nghề cần thu hút đầu tư vào đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Bên cạnh đó, Luật sẽ đưa ra các quy định theo hướng đổi mới và đơn giản hóa trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư kinh doanh tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt bao gồm quy định việc đăng ký đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư theo trình tự, thủ tục đơn giản nhất; không thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và UBND cấp tỉnh theo quy định tại Luật đầu tư; không thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án PPP và dự án đầu tư ra nước ngoài…
Ông Đông cho biết Dự án Luật được xây dựng dựa trên nghiên cứu kinh nghiệm phát triển các đặc khu kinh tế, khu tự do, khu thương mại tự do, đặc khu hành chính và các mô hình tương tự của 13 quốc gia và vùng lãnh thổ mới phát triển mô hình này nhằm đón đầu cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng như đã có kinh nghiệm thành công trong mô hình này trong khu vực và trên thế giới.
Mặc dù vậy, theo ông Đông, xét ở một số góc độ nhất định, những cơ chế, chính sách về kinh tế xã hội, tổ chức chính quyền và công tác tư pháp được Việt Nam đã xây dựng trong Dự thảo Luật thậm chí đã cao hơn, hiện đại hơn một số đặc khu của Trung Quốc, tuy nhiên, xét về mức độ mở của chính sách thuế thì thấp hơn so với một số đặc khu được mệnh danh là “thiên đường thuế” như Dubai, Cayman.
Đặc biệt, những lợi thế của 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt này được xây dựng dựa trên một số những ưu thế vượt trội như: môi trường đầu tư kinh doanh với việc có thể thỏa thuận lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài đối với hợp đồng đầu tư thương mại, dân sự có yếu tố nước ngoài giữa nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân có trụ sở chính hoặc nơi cư trú tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; rút ngắn các danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thực hiện trung tâm hành chính 1 cửa.
Bên cạnh đó, cùng với những đột phá mới về tổ chức bộ máy, không dựa vào trách nhiệm tập thể mà đề cao trách niệm cá nhân; công tác tư pháp hoàn toàn mới với vai trò của tòa án đặc khu tương đương cấp huyện nhưng thẩm quyền như cấp tỉnh…
Nội dung rất đáng chú ý được đưa ra tại dự thảo Luật là việc mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai và tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Theo đó, dự thảo Luật quy định thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và dự án đầu tư của nhà chiến lược; đồng thời, quy định tổ chức kinh tế trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam.
Cũng theo ông Đông, các chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, miễn giảm tiền thuê mặt đất, mặt nước được đề xuất vượt trội mức độ quy định hiện hành và có thể cạnh tranh được với các đặc khu kinh tế trên thế giới để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược và đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên phát triển.
Đặc biệt các ưu đãi cao nhất được áp dụng với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, ý tế giáo dục, dự án đầu tư thuộc các ngành nghề ưu tiên phát triển của từng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và dự án của các nhà đầu tư chiến lược.
Dự án Luật cũng dự kiến sẽ trao quyền phân cấp mạnh hơn cho các trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với quyền hạn được xem xét ban hành mức ưu đãi đối với từng dự án dựa trên chế độ miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo từng lĩnh vực nhằm đảm bảo sự linh hoạt và hiệu quả của dự án và chính sách ưu đãi, không cào bằng đối với các dự án đầu tư.
Ông Đông cho biết, so với các đặc khu tại Trung Quốc tận dụng sức hút của đặc khu Hồng Kông để phát triển thì 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt của Việt Nam đều có những lợi thế cạnh tranh nhất định.
Vân Đồn với ưu thế khoảng cách gần với thị trường trên 3,5 tỷ dân của Trung Quốc, chỉ cách thị trường này 3,5 giờ bay, theo đó đặc khu này đang được xây dựng và hoàn thiện hệ thống sân bay để tận dụng ưu thế này biến tiềm năng thành hiện thực.
Bắc Vân Phong với những ưu thế về cảng nước sâu, diện tích quỹ đất còn nhiều chưa sử dụng sẵn sàng đón được các nhà đầu tư chiến lược tới đầu tư và phát triển.
Còn đối với Phú Quốc do quỹ đất không còn nhiều thì tận dụng lợi thế dựa vào khu vực ASEAN với định hướng phát triển trở thành trung tâm du lịch của khu vực này.
“Tuy nhiên, điểm khó nhất hiện nay là các chính sách đưa ra trong dự án Luật liệu có đáp ứng được các nhu cầu của các nhà đầu tư chiến lược hay không? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi cho rằng cần triển khai trên quan điểm vừa làm vừa rút kinh nghiệm trên cơ sở các định hướng cơ bản trong phát triển các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Theo đó, chính sách có thể cân nhắc linh hoạt. Khi có nhà đầu tư chiến lược quan tâm, đặt vấn đề có những cơ chế, chính sách cao hơn, mới hơn khi đầu tư vào các đặc khu thì chúng ta vẫn sẽ có thể sẵn sàng đàm phán tiếp tục với nhà đầu tư chiến lược và sửa luật để điều chỉnh mức độ ưu đãi và mở cửa phù hợp với quy định luật pháp hiện hành và thông lệ quốc tế”, ông Đông nhấn mạnh.