SCIC và những đợt thoái vốn “mang đến lại mang về”

0:00 / 0:00
0:00
Các đợt thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) liên tiếp ế ẩm, nhiều lô cổ phần chào bán nhiều lần vẫn không được nhà đầu tư ngó ngàng.
Gần đây, SCIC liên tiếp công bố thông tin đấu giá phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh

Gần đây, SCIC liên tiếp công bố thông tin đấu giá phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh

Những thương vụ bất thành

Phiên đấu giá lô cổ phần gần 2 triệu đơn vị (tương đương 73,03% vốn điều lệ) của SCIC tại Công ty cổ phần Địa ốc Vĩnh Long dự kiến diễn ra ngày 9/9 đã không thể tổ chức. Lý do là đến thời điểm kết thúc thời hạn đăng ký tham gia đấu giá và nộp tiền cọc mua số cổ phần này, chỉ có một nhà đầu tư tham gia đăng ký đấu giá.

Theo Điều 13, Quy chế Bán đấu giá cả lô cổ phần của SCIC tại Công ty cổ phần Địa ốc Vĩnh Long ban hành kèm theo Quyết định số 332/QĐ-ĐTKDV ngày 14/8/2020 của Tổng giám đốc SCIC, cuộc đấu giá này không đủ điều kiện để tổ chức đấu giá. Đáng chú ý, đây đã là lần thứ 6 lô cổ phiếu này được SCIC “mang đến lại mang về” trong 5 năm qua.

Trong tháng 8/2020, SCIC công bố chào bán đấu giá cả lô 17,8 triệu cổ phần (tương đương 51% vốn điều lệ) tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang với mức giá khởi điểm 18.900 đồng/cổ phần. Như vậy, nhà đầu tư phải bỏ ra ít nhất 337,4 tỷ đồng để sở hữu số cổ phần trên.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu phiên đấu giá này không bị hủy do không có nhà đầu tư nộp hồ sơ năng lực. Nguyên nhân là dù được nỗ lực “kéo” từ mốc 6.000 đồng/cổ phần sau khi thông tin thoái vốn được công bố, nhưng thị giá cổ phiếu AFX của Thực phẩm An Giang chỉ chạm được tới mốc 12.900 đồng/cổ phần trong phiên giao dịch ngày 17/8 và sau đó là “hụt hơi”, hiện chỉ còn neo ở mốc 8.000 đồng/cổ phần.

Cũng trong tháng 8/2020, SCIC đã thất bại trong đợt chào bán toàn bộ 46 triệu cổ phiếu FPT với giá trị tối thiểu 2.273 tỷ đồng. Mặc dù mức giá mà SCIC đưa ra khá sát so với thị giá cổ phiếu FPT vào thời điểm chào bán, nhưng do tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại tại FPT đã đạt mức tối đa 49%, nên phiên đấu giá này chỉ dành cho nhà đầu tư trong nước. Điều này dẫn tới việc không có nhà đầu tư nào chào mua lô cổ phần trên.

Thời gian gần đây, SCIC liên tiếp công bố thông tin đấu giá phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Mặc dù cả 3 doanh nghiệp nói trên đều hoạt động kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh, nhưng việc thoái vốn nhà nước lại không hề dễ dàng.

Trong tháng 9, SCIC tiếp tục thông báo bán đấu giá cổ phần tại Công ty cổ phần Chăn nuôi Tiền Giang và Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn. Đây cũng là số cổ phần tại những doanh nghiệp mà SCIC đã từng chào bán trước đó, nhưng đều không thành công.

Cần cách làm mới

Một nguyên nhân khách quan dẫn tới việc các đợt thoái vốn bất thành là đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như đời sống của người dân, trong đó thị trường chứng khoán bị tác động rất nặng nề.

Tuy nhiên, các thương vụ thoái vốn mà SCIC thực hiện nói trên có điểm chung là đấu giá trọn lô, tức là mỗi nhà đầu tư tham gia sẽ phải mua toàn bộ lượng cổ phần đấu giá. SCIC lý giải, việc bán toàn bộ lô cổ phần để tránh trường hợp nhà đầu tư chỉ mua một phần nhằm đạt được quyền chi phối doanh nghiệp rồi thôi, cổ đông Nhà nước phải nắm giữ số ít cổ phần còn lại mà không cách nào bán được.

Đồng thời, SCIC đặt nhiều kỳ vọng trong các đợt thoái vốn này khi đưa ra mức giá khởi điểm thường cao hơn so với giá cổ phiếu trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC, nhiều doanh nghiệp không bán được vốn không phải do hoạt động yếu kém, kế hoạch sản xuất, kinh doanh không sáng sủa, mà là do cơ chế. Cách xác định giá sàn quá chặt chẽ, không tạo kẽ hở để thất thoát tài sản nhà nước, nhưng không linh hoạt theo nguyên tắc thị trường trong việc bán vốn tại các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả và các doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ là cổ đông thiểu số.

Theo ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cơ quan này đã xây dựng các cơ chế chính sách tài chính, bảo đảm triển khai thuận lợi việc cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước. Bộ Tài chính cũng xây dựng các cơ chế chính sách phát triển thị trường chứng khoán, bảo đảm sau khi cổ phần hóa, các doanh nghiệp phải niêm yết trên thị trường, bảo đảm công khai minh bạch trong quá trình cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Chính phủ có kế hoạch thúc đẩy tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tin bài liên quan