Ông Trần Thăng Long

Ông Trần Thăng Long

SCIC thoái vốn, khó có “phản ứng phụ” tăng cung

(ĐTCK) “Chúng tôi dự báo, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)sẽ chủ yếu chọn phương thức giao dịch thỏa thuận để thoái vốn và như vậy, TTCK sẽ không chịu áp lực tăng cung từ việc thoái vốn tại gần 400 DN”.

Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích CTCK BSC nhận định khi trao đổi với ĐTCK.

TTCK nhận được tác động tích cực nhiều hơn hay ngược lại, khi SCIC triển khai lộ trình thoái vốn vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thưa ông?

Lộ trình thoái vốn mới của SCIC có tác động tích cực cho TTCK cả trong trước mắt lẫn dài hạn. Lý do là bởi nó đáp ứng được kỳ vọng từ nhiều năm nay của thị trường, của NĐT, nhất là NĐT nước ngoài, khi đây là minh chứng sinh động nhất thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc giảm mạnh tỷ lệ, hoặc không nắm giữ cổ phần tại những DN thuộc các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối. Diễn biến này còn thể hiện, Chính phủ đang có thêm những chính sách cởi mở hơn trong thu hút các nguồn lực bên ngoài tham gia phát triển DN.

NĐT nước ngoài nhìn nhận, đây là chuyển biến quan trọng, có tác động tích cực không chỉ đối với TTCK.

Việc triển khai lộ trình thoái vốn của SCIC không chỉ góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường, mà còn mở ra cơ hội thu hút thêm dòng vốn, nhất là luồng vốn đầu tư nước ngoài tham gia thị trường. Qua đó, tạo hiệu ứng hỗ trợ DN thuận lợi hơn trong huy động vốn qua TTCK.

Mặt khác, một khi quá trình thoái vốn của SCIC diễn ra sôi động, còn góp phần thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DNNN, qua đó bổ sung cho thị trường nguồn hàng hóa mới có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của NĐT.

 

Nhưng có ý kiến quan ngại từ nay đến cuối năm 2015 mà SCIC thoái vốn với số lượng quá lớn, lên tới 376 DN, trong đó bao gồm nhiều DN có mức vốn hóa lớn, thanh khoản cao đang niêm yết, nên sẽ tạo ra áp lực tăng cung cho TTCK. Lo ngại này có cơ sở không, thưa ông?

Có một điểm đáng chú ý trong số các DN đang niêm yết trên cả hai sàn HOSE và HNX, mà SCIC có kế hoạch thoái vốn đến năm 2015 là có nhiều cổ phiếu lớn, thanh khoản cao như: BVH, FPT, BMP… Việc bán cổ phiếu của các DN đang làm ăn hiệu quả này, rõ ràng, SCIC nhắm tới tối đa hóa lợi nhuận. Để đạt mục tiêu này, nếu việc thoái vốn của SCIC tạo ra áp lực tăng cung cho TTCK, thì người chịu thiệt thòi đầu tiên chính là SCIC.

Nói như vậy để thấy, SCIC sẽ phải tính toán rất chi li phương thức và thời điểm thoái vốn, để giảm thiểu rủi ro tăng cung, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận.

 

Như phân tích của ông, thì nhiều khả năng SCIC sẽ thoái vốn bằng phương thức giao dịch thỏa thuận, hướng tới các đối tác lớn, để đạt mục tiêu kép là vừa tránh tạo ra áp lực tăng cung cho thị trường, vừa đạt lợi nhuận tối ưu khi mức giá chuyển nhượng có thể cao hơn mức giá trên sàn?

Nhìn vào lịch sử thoái vốn các DN niêm yết của SCIC trong những năm qua cho thấy, gần như họ không thoái vốn thông qua phương thức khớp lệnh, mà chủ yếu thông qua giao dịch thỏa thuận. Phương thức này phù hợp với khối lượng cổ phiếu lớn mà SCIC muốn chuyển nhượng.

Mặt khác, để đạt mục tiêu kép là có lợi hơn về giá, đồng thời giảm thiểu áp lực tăng cung, do thực hiện chuyển nhượng một lượng lớn cổ phiếu tại nhiều DN, nên các NĐT mà SCIC hướng tới chắc không phải là NĐT cá nhân nhỏ lẻ, mà sẽ là các NĐT tổ chức, trong đó có NĐT nước ngoài. Tuy nhiên, do trong số các cổ phiếu nằm trong lộ trình thoái vốn của SCIC hiện có nhiều mã đã cạn room như: FPT, BMP, NTP…, nên sẽ phải đợi Quyết định tăng room của Thủ tướng, mới hỗ trợ tích cực cho việc thoái vốn của SCIC.

Trong các cuộc tiếp xúc với NĐT nước ngoài gần đây, chúng tôi nhận thấy họ nóng lòng mong muốn dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam sớm được phê duyệt và triển khai.

Khi đó, nếu SCIC thoái vốn, họ có cơ hội hiện thực hóa mục tiêu đang theo đuổi là trở thành cổ đông lớn tại nhiều DN đang niêm yết kinh doanh hiệu quả, có triển vọng tăng trưởng tốt.

Hơn nữa, danh mục thoái vốn của SCIC bao gồm nhiều DN đang kinh doanh hiệu quả hàng đầu trên cả HOSE và HNX, do đó mức giá chuyển nhượng mà SCIC kỳ vọng hẳn cao hơn trên sàn. Đây là một lý do nữa để dự báo, một khi triển khai kế hoạch thoái vốn, nhiều khả năng SCIC sẽ chọn phương thức giao dịch thỏa thuận.

Với cách làm này, việc thoái vốn của SCIC sẽ khó tạo ra “phản ứng phụ” là tạo ra áp lực tăng cung cho thị trường.

>> Cú tung hàng của SCIC sẽ “làm nóng” TTCK

>>Giải mã danh mục đầu tư bất ngờ của SCIC