SCIC được bật đèn xanh "cắt lỗ"

SCIC được bật đèn xanh "cắt lỗ"

(ĐTCK) Việc cho phép SCIC được bán vốn nhà nước dưới mệnh giá đối với một số DN chính là một giải pháp hiệu quả để “cắt lỗ” tại những DNNN yếu kém.

Nghị định 151/2013/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực vào ngày 20/12/2013 có một điểm mới thu hút sự quan tâm của các CTCK là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ được bán vốn nhà nước dưới mệnh giá đối với một số DN.

Đây được xem là hướng đi gỡ khó cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong việc thoái vốn, hỗ trợ các tổ tức trung gian như CTCK thực hiện dịch vụ này.

Trao đổi với ĐTCK, ông Tào Minh Dương, Giám đốc khối dịch vụ ngân hàng đầu tư CTCK Bảo Việt cho rằng, điểm mới trong Nghị định 151 là một tháo gỡ tích cực cho nhiều phía. "Vấn đề còn lại là làm sao để các quy định này đi vào thực tiễn một cách có hiệu quả", ông Dương nói.

Trong kinh doanh, việc bảo toàn và phát triển vốn là nguyên tắc hết sức quan trọng. Để bảo toàn và phát triển vốn, một trong những nội dung quan trọng là phải có những hành động “cắt lỗ”, thoái vốn mạnh mẽ khi các diễn biến từ doanh nghiệp, thị trường có chiều hướng xấu, mà theo đó việc thoái vốn ngay sẽ có lợi hơn là nắm giữ, dù có thể phải thực hiện theo giá dưới mệnh giá, hay thấp hơn giá trị đầu tư ban đầu. Quan niệm theo cách này, việc cho phép thoái vốn Nhà nước dưới mệnh giá chính là một giải pháp hiệu quả để “cắt lỗ” tại những DNNN yếu kém.

Ông Tống Minh Tuấn, Trưởng phòng Tư vấn doanh nghiệp CTCK Vietcombank cho rằng, quy định SCIC được bán vốn nhà nước dưới mệnh giá đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ và đã thực hiện đấu giá công khai nhưng không có người mua ở giá cao hơn hoặc bằng mệnh giá, là bước đột phá trong tư duy bán vốn Nhà nước từ trước đến nay.

Quy định mới, theo ông Tuấn, là khá “sòng phẳng”, phù hợp với quy luật cung - cầu của thị trường và giải quyết hài hòa lợi ích, nhu cầu cần thiết của cả DN, SCIC.

SCIC được bật đèn xanh "cắt lỗ" ảnh 1

Cho phép DNNNbán vốn dưới mệnh giá là phù hợp với quy luật cung - cầu trên thị trường

Theo ông Tuấn, các tổ chức đang đại diện sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần, nên xây dựng cơ chế mở này để giải phóng hoạt động bán vốn Nhà nước.

Cơ chế này có thể tạo nên sức bật, cơ hội mới cho các doanh nghiệp cần bán vốn và cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, ở những DN yếu về quản trị, nếu tìm được nhà đầu tư phù hợp, có thể sẽ vươn lên hoạt động mạnh mẽ hơn, thay vì để như hiện nay, sẽ càng ngày càng lụi tàn.

Với các CTCK, khi tư vấn hoạt động đăng ký đấu giá, bán phần vốn nhà nước tại hàng trăm DN trong thời gian qua, gặp nhiều trở ngại. Giá khởi điểm phải cao hơn hoặc bằng mệnh giá là một rào cản cho cuộc đấu giá khó thành công.

Bên cạnh đó, với các DN phải bán vốn Nhà nước mà tại DN, người lãnh đạo không phải là người đại diện vốn Nhà nước, cũng thường gặp "trục trặc" về mặt xử lý. Hay khi lượng vốn Nhà nước cần bán không đủ lớn, đợt đấu giá cũng khó thu hút được nhà đầu tư lớn quan tâm.

Mặc dù vậy, theo ông Dương, trở ngại lớn nhất hiện nay khi các tập đoàn, tổng Công ty nhà nước thực hiện đấu giá bán phần vốn nhà nước, đặc biệt là số cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp chưa niêm yết, là DN không đáp ứng được các điều kiện của việc chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định của Luật chứng khoán.

Theo quy định của Luật Chứng khoán, việc bán cổ phần thông qua đấu giá công khai là một hình thức của chào bán chứng khoán ra công chúng. Các DN muốn thực hiện việc này phải đáp ứng được các điều kiện theo Luật định, như năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, không còn lỗ lũy kế tính đến năm chào bán, có kiểm toán báo cáo tài chính bởi công ty kiểm toán được chấp thuận, ý kiến kiểm toán là chấp nhận toàn phần…

Trong khi đó, việc chuyển nhượng vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần chưa niêm yết phải thực hiện đấu giá để đảm bảo nguyên tắc công khai, bình đẳng, bảo toàn vốn Nhà nước. Thực hiện cùng lúc 2 yêu cầu trên là điều khó khăn với cả DN bán đấu giá và CTCK tư vấn cho DN.

Nghị đinh 151 mở ra cơ hội mới cho các DN yếu kém thoái vốn Nhà nước dưới mệnh giá. Tuy nhiên, cơ chế thoái vốn Nhà nước nói chung cần thống nhất và hoàn thiện hơn với tất cả các DN có vốn Nhà nước (chứ không chỉ DN do SCIC đang quản lý vốn), đồng thời có hành lang pháp lý chuẩn mực, mới có thể đẩy nhanh việc thoái vốn. Thực tế, trong nhiều trường hợp, DN và nhà tư vấn phải trải qua quá nhiều thủ tục, do các quy định pháp lý chưa thực sự ăn khớp nhau.

 

>> SCIC cũng phải "xin phép" bán vốn Nhà nước

>> SCIC cần đưa vốn vào những lĩnh vực khó

>> Được bán vốn nhà nước dưới mệnh giá 

>> Khó dự đoán về diện mạo mới của SCIC  

>> DNNN chưa giảm được quy mô cồng kềnh

>> Cấm cửa DNNN đầu tư vào chứng khoán