SCIC cần đưa vốn vào những lĩnh vực khó

SCIC cần đưa vốn vào những lĩnh vực khó

Việc Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) năm 2012 mang gần 20.000 tỷ đồng gửi vào ngân hàng lấy lãi gây nhiều bức xúc trong xã hội khi nền kinh tế đang cần vốn rẻ. Xử lý nguồn vốn này như thế nào là vấn đề dư luận đang quan tâm.

 

 

Sử dụng vốn không hiệu quả

 

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi), cho rằng, với chức năng là đơn vị quản lý phần vốn nhà nước sau khi cổ phần hóa các doanh nghiệp (DN), phần tiền mà SCIC thu được từ hoạt động cổ phần hóa DN nên đưa vào kho bạc hoặc ngân sách nhà nước. Bởi hiện nay, Nhà nước đang thiếu tiền, đang vay nợ của dân để làm đường, phát triển giáo dục… qua hình thức phát hành trái phiếu (TP). Trong khi đó, SCIC có một nguồn tiền lớn gần 20.000 tỷ đồng nhưng lại không biết đầu tư vào đâu.

 

"Giống như trong một gia đình, người chồng thì đi vay ngân hàng (NH) xây nhà, trong khi cô vợ đang có một khoản tiền gửi tiết kiệm NH. Gia đình này sử dụng đồng tiền là không hiệu quả" - ông Hải ví von.

 

SCIC cần đưa vốn vào những lĩnh vực khó ảnh 1

Việc SCIC kinh doanh vốn mà chỉ việc đem vốn đi gửi ngân hàng lấy lãi thì quá “khỏe”

 

Dư luận cũng bức xúc và cho rằng việc kinh doanh vốn mà chỉ việc đem vốn đi gửi NH lấy lãi thì quá “khỏe”, chỉ cần dăm ba người đã có thể thực hiện được chứ cần gì phải lập ra cả một tổng công ty.

 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, SCIC nhận lãnh vai trò khá quan trọng trong quá trình thực hiện cổ phần hóa các DN nhà nước, là bước đệm để các DN này từng bước ra thị trường hay lên sàn chứng khoán. Một nhiệm vụ quan trọng khác của SCIC là phải luôn tiên phong đầu tư vào các lĩnh vực đang còn nhiều khó khăn. Ví dụ bao nhiêu năm nay Việt Nam vẫn loay hoay mãi mà chưa phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ. Nếu như SCIC đầu tư vào một vài DN này để tạo động lực phát triển thì sẽ thu hút được các cá nhân, tổ chức khác tham gia đầu tư. Hay đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến nông sản, vào nông nghiệp để đẩy mạnh phát triển hơn nữa.

 

“Bản chất của SCIC không phải như các DN tư nhân chỉ lựa chọn đầu tư vào những lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao hay có lợi nhuận ngay mà phải tiên phong đưa vốn vào những lĩnh vực mà các DN tư nhân chưa sẵn sàng đầu tư”, bà Lan nhấn mạnh.                                   

 

Sao không mua trái phiếu Chính phủ?

 

Theo TS Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính (ĐH Kinh tế TP.HCM), trong khi Chính phủ đã và đang liên tục huy động vốn để đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển thông qua việc phát hành TP thì tại sao SCIC không tham gia, nhất là ở nhiều thời điểm việc huy động vốn này khá khó khăn và không có người mua. Nếu SCIC có dư nguồn vốn chưa có lĩnh vực đầu tư phù hợp thì nên mua TP Chính phủ bởi theo nguyên tắc đây là kênh đầu tư không có rủi ro, lãi suất luôn cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm của NH.

 

“Về lý thuyết, gửi tiền vào NH cũng có rủi ro và khả năng mất vốn là có khi NH bị phá sản. Như vậy việc SCIC tham gia mua TP chính phủ là có hiệu quả hơn và góp phần làm gia tăng thanh khoản cho thị trường TP. Mỗi quốc gia đều có những mô hình hoạt động tương tự nhưng phải bám sát mục tiêu theo từng giai đoạn phát triển kinh tế. Do đó cần phải xem xét và điều chỉnh lại mục tiêu, nhiệm vụ của SCIC trong từng giai đoạn để sử dụng vốn nhà nước hiệu quả hơn”, TS Lê Đạt Chí nói.

 

GS-TS Trần Ngọc Thơ - Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp (ĐH Kinh tế TP.HCM) -  cho rằng SCIC cần hướng đến sự minh bạch trong các danh mục đầu tư và cần có sự cấu trúc lại về nhân sự, đặc biệt là có thể thuê người nước ngoài để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh lĩnh vực đầu tư không những trong mà cả ngoài nước. Lúc đó, nguồn tiền SCIC sẽ được sử dụng hợp lý hơn là đi gửi tiết kiệm NH. Trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, SCIC nên tập trung vốn đầu tư vào một số lĩnh vực ngành nghề khó như hạ tầng cơ sở, nông nghiệp... Riêng ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Tài chính NH (ĐH Mở) cho rằng nếu cho phép SCIC đầu tư mạo hiểm, được phép bao nhiêu phần trăm trong danh mục đầu tư thì đơn vị này có thể tham gia vào các hoạt động đầu tư, kể cả việc tham gia vào hoạt động xử lý nợ xấu trong hệ thống NH.

 

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2006, SCIC có nhiệm vụ tiếp nhận quản lý vốn của nhà nước tại các DN trong quá trình cổ phần hóa và đầu tư (trực tiếp hoặc gián tiếp) vào những ngành, lĩnh vực quan trọng cần có sự tham gia của nhà nước để thúc đẩy lĩnh vực đó phát triển. Tuy nhiên những năm qua, vai trò đầu tư của SCIC chưa được chú trọng. Việc mang tiền đi gửi NH hay ủy thác đầu tư qua NH để lấy lãi không phải mới được SCIC thực hiện trong năm 2012 mà đã diễn ra nhiều năm qua.