SCB đặc biệt có lợi thế trong phân khúc khách hàng ở khu vực thành thị

SCB đặc biệt có lợi thế trong phân khúc khách hàng ở khu vực thành thị

SCB từ tái cơ cấu đến chiến lược tăng trưởng bền vững

(ĐTCK) Được thành lập từ việc hợp nhất 3 tổ chức tín dụng là SCB, Ficombank, TinNghia Bank, ban đầu Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) gặp rất nhiều khó khăn khi có tỷ lệ nợ xấu cao và trạng thái vàng âm lên tới hơn 300.000 lượng. Thế nhưng, với nỗ lực lớn trong việc thực hiện đề án tái cấu trúc, SCB đã đạt được những thành công nhất định. ĐTCK trao đổi với ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB nhân dịp Đại hội đồng cổ đông năm nay. 

Ông có thể chia sẻ những kết quả mà SCB đạt dược trong quá trình tái cơ cấu sau 2 năm hợp nhất?

Về cơ bản, SCB đã giải quyết được những khó khăn chính sau 2/3 chặng đường thực hiện đề án tái cơ cấu 2012 - 2014. Trước hết, SCB hoàn trả toàn bộ nguồn vốn tái cấp vốn (hơn 20.000 tỷ đồng) cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào tháng 9/2013.

Bên cạnh đó, SCB hoàn trả một phần lớn nợ liên ngân hàng nhằm khôi phục niềm tin đối với các đối tác trên thị trường này để bình thường hóa quan hệ.

Cũng cần nói thêm rằng, SCB nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các ngân hàng, khi lãi suất vay vốn trên thị trường liên ngân hàng trước đây khá cao, nhưng các ngân hàng cho vay đã có sự chia sẻ và hỗ trợ SCB trong suốt thời gian vừa qua.

Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn

Thứ hai, SCB đã tất toán thành công trạng thái vàng âm vào tháng 6/2013, hoàn thành một trong các nội dung quan trọng trong chiến lược quản lý vàng tổng thể theo định hướng của NHNN.

Đối với số dư trạng thái dư nợ cho vay vàng, hiện SCB vẫn còn một phần nhỏ, Ngân hàng đang thương thảo với khách hàng để chuyển đổi sang tiền đồng, tất toán trạng thái dư nợ vàng.

Với việc xử lý nợ xấu - vấn đề vốn được xem là gai góc nhất, SCB thực hiện ra sao?

Một kết quả mà SCB đạt được trong quá trình tái cơ cấu năm 2013 là giảm được tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% (3% là ngưỡng an toàn).

Bên cạnh các biện pháp nội bộ, SCB sớm liên hệ với Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và bán một phần nợ xấu cho VAMC, với hơn 6.000 tỷ đồng trong quý IV/2013.

Tính đến cuối năm 2013, nợ xấu của SCB đã được kiểm soát dưới 3%. Sau khi bán nợ xấu, SCB đã cùng VAMC đẩy mạnh việc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, kể cả phát mại tài sản đảm bảo.

SCB dự kiến tiếp tục rà soát để bán tiếp khoảng 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong thời gian tới, đưa hoạt động của Ngân hàng đạt mức an toàn cao nhất.

Tuy nợ xấu được bán và về dưới mức 3%, nhưng áp lực xử lý nợ vẫn còn, thưa ông?

Chắc chắn vẫn còn áp lực. Vì nợ xấu đã được bán, nhưng Ngân hàng cũng phải có nguồn thu để trích lập dự phòng 20% cho trái phiếu đặc biệt của VAMC.

Do đó, một phần Ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC, nhưng mặt khác cũng phải lên kế hoạch xử lý nợ xấu để có nguồn thu trích dự phòng.

Tuy nhiên, do các khoản nợ xấu được bán cho VAMC là bán với giá gốc (giá dư nợ trừ dự phòng và trích dự phòng), nên nếu xử lý nợ xấu tốt và thu được đầy đủ nợ gốc thì sẽ tạo được nguồn thu.

Đồng thời, nếu thu được một phần lãi dự thu trong quá trình xử lý nợ xấu cũng sẽ tạo được nguồn thu cho Ngân hàng để trích dự phòng cho trái phiếu đặc biệt và các khoản nợ xấu trong năm nay.

Nói vậy, SCB đã qua được giai đoạn khó khăn sau 2 năm thực hiện tái cấu trúc?

Chính những kết quả đạt được nói trên đã giúp SCB dần khôi phục được hoạt kinh doanh bình thường và mở rộng hoạt động kinh doanh: phát triển sản phẩm mới, mở rộng mạng lưới hoạt động ở một số tỉnh, thành ngoài TP. HCM và Hà Nội.

Trong mắt nhà đầu tư và cổ đông, việc SCB nỗ lực giảm được nợ xấu về dưới ngưỡng an toàn 3% trong bối cảnh thị trường khó khăn là rất quan trọng.

Điều đó sẽ tạo tiền đề vững chắc cho SCB trong việc tái cơ cấu năm 2014. Đây là năm thứ ba, SCB thực hiện tái cơ cấu và là năm cuối cùng của đề án tái cấu trúc.

Có thể nói, giai đoạn khó khăn nhất của SCB đã qua và thị trường có cái nhìn tích cực, tin tưởng về SCB. Qua SCB, thị trường, nhà đầu tư, cổ đông và khách hàng cũng có thể thấy được vai trò của NHNN trong việc hỗ trợ các ngân hàng tái cấu trúc, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường, từ đó tạo được sự ổn định cho toàn hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

Kết quả kinh doanh của SCB trong năm qua như thế nào, thưa ông?

Tính đến cuối năm 2013, các chỉ số tài chính của SCB đều được cải thiện. Trong đó, tổng tài sản tăng 30%. Còn về lợi nhuận, trong năm qua, SCB không đề cao mục tiêu lợi nhuận, mà lợi nhuận làm ra chủ yếu dành để trích lập dự phòng rủi ro.

Vì thế, không chỉ năm 2013, mà cả giai đoạn tái cơ cấu, SCB có chủ trương không chia cổ tức cho cổ đông. Vấn đề này đã được cổ đông chia sẻ, để tập trung khôi phục hoạt động của SCB.

Trong 2 năm tái cơ cấu, SCB đã trích xấp xỉ 3.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro nợ xấu. Sau này, khi nợ xấu được xử lý thì khoản dự phòng nói trên sẽ được hoàn nhập.

Mặt khác, SCB cũng nhắm đến mục tiêu lâu dài khi hoạt động kinh doanh của Ngân hàng được củng cố, làm gia tăng giá trị nội tại cho SCB, từ đó giúp gia tăng giá trị cổ phiếu cho các cổ đông.

Trong giai đoạn 2014 - 2015, SCB sẽ tiếp tục xin chủ trương chưa chia cổ tức, nhằm nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh để tiến đến những mục tiêu dài hạn.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, cộng với diễn biến thị trường không thuận lợi, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trong năm qua không có khả năng tăng vốn.

Tuy nhiên, SCB vẫn tăng được vốn điều lệ thêm 1.711 tỷ đồng, nâng vốn lên 12.295 tỷ đồng.

Điều đó cho thấy, dù khó khăn, nhưng các cổ đông của SCB vẫn tin tưởng góp vốn để Ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, trích dự phòng…

Các chỉ tiêu hoạt động năm 2014 được SCB trình tại ĐHCĐ ngày 17/3 ra sao?         

Một trong những vấn đề SCB quyết tâm thực hiện trong năm 2014 chính là việc khôi phục hoạt động kinh doanh bình thường, mở rộng hoạt động đầu tư cho vay.

Chỉ có khôi phục hoạt động kinh doanh bình thường và mở rộng hoạt động cho vay thì Ngân hàng mới có được nguồn thu để bù đắp chi phí và có nguồn để trích lập dự phòng.

Trong năm nay, SCB cũng sẽ dự kiến mở rộng lĩnh vực bán chéo sản phẩm thông qua việc liên kết với các công ty bảo hiểm, qua đó nâng cao nguồn thu ngoài lãi. Ngân hàng cũng quyết tâm đạt và vượt các tỷ lệ an toàn trong hoạt động theo quy định của NHNN. Vì thế, kế hoạch đưa ra cho năm nay, SCB sẽ tăng thêm 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ so với mức 12.295 tỷ đồng hiện tại.

Theo phương án thứ nhất, SCB sẽ tìm kiếm các nguồn vốn dài hạn để tăng vốn cấp 2, trong trường hợp không thành công thì tăng vốn điều lệ với mức tăng khoảng 2.000 tỷ đồng. Nhưng theo thăm dò ban đầu, các cổ đông lớn của SCB đã xem xét và chấp nhận về nguyên tắc phương án tăng vốn này để nâng cao năng lực tài chính, phục vụ cho quá trình tái cơ cấu ngân hàng đang triển khai.

Việc gọi vốn từ cổ đông chiến lược nước ngoài dự kiến khi nào được SCB thực hiện?       

Bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là một phần trong kế hoạch kinh doanh của SCB. Tuy nhiên, việc bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài đòi hỏi có sự hợp tác và nỗ lực từ cả 2 phía. Các nhà đầu tư nước ngoài luôn hết sức kỹ lưỡng và chọn lọc khi đầu tư vào các tổ chức tín dụng.

Về phía SCB, Ngân hàng cũng cần phấn đấu để nâng tầm SCB trước khi chào bán cổ phần, vì nếu thực hiện quá sớm có thể gây thiệt hại cho các cổ đông hiện hữu.

Do đó, theo tôi, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng được nguyện vọng của cổ đông trong nước và bù đắp được phần nào cho những nỗ lực và chia sẻ mà họ đã bỏ ra trong những năm qua, như vậy thì việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài mới có ý nghĩa.

Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu, SCB vẫn mời tư vấn nước ngoài chuyên nghiệp để giúp thực hiện việc tái cơ cấu một cách hiệu quả và nhanh chóng, cho dù chưa có cổ đông nước ngoài.

Sau 2 năm tái cơ cấu, đến giai đoạn này, liệu SCB đã đủ năng lực để cạnh tranh với các ngân hàng cùng quy mô hay chưa? Thế mạnh riêng của SCB hiện nay là gì?

Về cạnh tranh trên thị trường, SCB có một số lợi thế riêng so với nhiều ngân hàng khác. SCB đặc biệt có lợi thế trong phân khúc khách hàng ở khu vực thành thị, các trung tâm kinh tế, nhất là những địa bàn tập trung các hoạt động thương mại sầm uất.

Mặt khác, với những khách hàng đã có quan hệ nhiều năm qua với SCB, Ngân hàng cũng chưa khai thác hết tiềm năng của họ. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, SCB đã có sự đầu tư vốn cho các dự án của một số khách hàng lớn và đặc thù, đó cũng có thể xem là một lợi thế riêng của SCB.

Nhìn tổng thể, SCB đang từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và khắc phục những điểm yếu, song song với việc đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu.

Thông điệp SCB muốn gửi đến cổ đông trong kỳ đại hội năm nay là gì, thưa ông?

HĐQT, Ban điều hành SCB đánh giá cao và hết sức cảm kích trước sự kiên nhẫn và chia sẻ của cổ đông trong thời gian qua. Nhiệm vụ của Ban điều hành SCB trong năm 2014 vẫn là nỗ lực hết mình để khôi phục hoạt động của Ngân hàng, nâng cao giá trị nội tại của cổ phiếu mà cổ đông đang nắm giữ, cũng như hoàn thành các kế hoạch đưa ra, thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu SCB trong năm 2014.

Tin bài liên quan