SBIC đang nợ DATC hơn 20.500 tỷ đồng, chiếm trên 75% tổng tài sản của công ty mua bán nợ này.

SBIC đang nợ DATC hơn 20.500 tỷ đồng, chiếm trên 75% tổng tài sản của công ty mua bán nợ này.

SBIC lại xin xỏ, nguy cơ thất thoát tài sản nhãn tiền

(ĐTCK) Mới đây, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) tiếp tục có đề nghị xin “khất” hàng loạt hạng mục phong tỏa tài sản, thu hồi đất dự án với lý do tìm đối tác chuyển nhượng để có nguồn trả nợ. 

Cụ thể, tại công văn gửi tới Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính cùng các bộ hữu quan, SBIC kiến nghị Chính phủ báo cáo và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tạm thời chưa áp dụng, hoặc tạm dừng các biện pháp phong tỏa tài khoản, cưỡng chế hóa đơn, tính phạt chậm nộp thuế đối với Công ty mẹ SBIC và các các đơn vi thành viên trong thời gian tái cơ cấu.

Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tạm thời chưa thực hiện thu hồi đất các dự án để tạo điều kiện cho SBIC và các đơn vị thành viên tìm đối tác chuyển nhượng dự án, hoặc chuyển nhượng tài sản trên đất gắn với quyền sử dụng để có nguồn trả nợ từ nay đến năm 2020.

Đây không phải là lần đầu tiên SBIC đưa ra các kiến nghị xin giãn, hoãn kiểu này, mà trước đó, doanh nghiệp này đã từng “cầu cứu” cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến với các cơ quan tại địa phương không thực hiện biện pháp cưỡng chế tài sản/tài khoản với lý do đưa ra là để đảm bảo hoạt động thường xuyên không bị gián đoạn, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện và ưu tiên đảm bảo an toàn tiền gửi/giao dịch tại tại các ngân hàng trong quá trình hoạt động, thực hiện việc quản lý tập trung các nguồn vốn của SBIC theo Quyết định 12 của Thủ tướng Chính phủ.

Thậm chí, SBIC đã từng đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải cho phép được xóa nợ, gồm cả nợ gốc và nợ lãi, cũng như xin hỗ trợ một khoản kinh phí để đơn vị giải thể trong tình trạng nhiều tài sản, cơ sở vật chất, tàu bè đã đưa ra đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua.

Ước tính phần vật tư, sản phẩm còn tồn đọng, dở dang thu hồi được chỉ tương đương 6-10% tổng giá trị đầu tư ban đầu.

Đáng chú ý, đề xuất trên được đưa ra trong tình cảnh SBIC ngày càng lún sâu vào kiệt quệ, khiến việc tìm đối tác chuyển nhượng vốn, tài sản, dự án gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng mất cân đối tài chính tại nhiều doanh nghiệp thành viên đã kéo dài, nợ nần chồng chất.

Điều này tiếp tục gia tăng nguy cơ thất thoát tài sản của Nhà nước, bởi thực tế là nhiều tài sản có giá trị, bao gồm hàng loạt khu đất cùng khối tài sản, cơ sở vật chất đầu tư vào các dự án có giá trị rất lớn, nhưng đã “đắp chiếu” từ nhiều năm nay như dự án Nhà máy đóng tàu Năm Căn thuộc Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cà Mau, các dự án sản xuất thép của Công ty TNHH MTV Thép Cái Lân, dự án Khu công nghiệp Mỹ Trung tại huyện Mỹ Lộc, Nam Định…

Chẳng hạn, dự án Khu công nghiệp Mỹ Trung với tổng diện tích hơn 150 ha do CTCP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh với tổng mức đầu tư theo thị giá năm 2006 là hơn 358 tỷ đồng.

Đến nay, đây vẫn đang là nỗi nhức nhối đối với Ban quản lý dự án, cũng như chính quyền tỉnh Nam Định khi không thể thu hồi tài sản, đất đai, giải phóng nguồn lực, để đưa trở lại kinh doanh sản xuất.

Cùng với khối tài sản để không, gây lãng phí trong gần 10 năm qua, sự tồn đọng của những khoản nợ khổng lồ từ các khoản vay nợ đầu tư của SBIC và các đơn vị thành viên cũng đáng báo động.

Theo báo cáo gần nhất của ông Cao Thành Đồng, Quyền Tổng giám đốc Công ty, mới có 1 doanh nghiệp thuộc SBIC được chuyển giao về Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) để tái cơ cấu nợ, thực hiện cổ phần hóa.

Song, các con số hiện hữu trong báo cáo tài chính năm 2018 đã kiểm toán của DATC mới thực sự giật mình khi cho thấy, SBIC là con nợ lớn nhất với danh mục khoản nợ dài hạn phải thu lên tới hơn 20.500 tỷ đồng, chiếm hơn 75% tổng tài sản của DATC tính đến cuối năm 2018.

Với những khoản nợ “khủng” không biết bao giờ mới trả được, câu hỏi được đặt ra là tại sao lúc này SBIC vẫn xin xỏ, trong khi thảm trạng của doanh nghiệp tiếp tục kéo dài mà chưa có động thái giải quyết dứt điểm từ các cấp có thẩm quyền để thu hồi phần tài sản còn lại, tránh thất thoát, lãng phí thêm nguồn lực nhà nước khi còn có thể?

Tin bài liên quan