Ảnh Internet

Ảnh Internet

SBIC buộc phải trả khối nợ liên quan tới nhà máy điện diesel 38 triệu USD tại Cụm công nghiệp tàu thủy Cái Lân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Do có nhiều khoản vay giữa các bên liên quan đến nhà máy điện diesel, tòa án đã ra phán quyết để giành quyền ưu tiên thanh toán với từng hạng mục tài sản cụ thể.

Mới đây, TAND tỉnh Quảng Ninh vừa xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Agribank và Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy - SBIC (tiền thân là Vinashin) liên quan đến Nhà máy điện Diesel 38 triệu USD (tương đương 627 tỷ đồng).

Ngân hàng khởi kiện

Theo hồ sơ vụ việc, SBIC là chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện diesel công suất 39MW tại Cụm công nghiệp tàu thủy Cái Lân, trị giá 38 triệu USD.

Để có vốn đầu tư, năm 2003, SBIC vay vốn Agribank 7,5 triệu USD. Công ty cũng ký với Agribank hợp đồng bảo lãnh vay vốn hạn mức 25,1 triệu USD để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi, các khoản phí, chi phí của Vinasshin theo hợp đồng ngày 11/6/2003 với Ngân hàng Societe Generale – Pháp.

Đảm bảo cho khoản vay trên là tài sản hình thành từ vốn vay gồm toàn bộ thiết bị nhà máy nhiệt điện diesel.

Ngoài ra, năm 2008, Công ty TNHH MTV Điện Cái Lân – Vinashin (đã giải thể, chuyển giao quyền, nghĩa vụ sang Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân, công ty con của SBIC) vay vốn Agribank 32,5 tỷ đồng. Tài sản thế chấp gồm toàn bộ dây chuyền thiết bị nhà máy điện Cái Lân, Kho dầu FO…

Quá hạn thanh toán nhưng cả SBIC và Công ty Cái Lân không thực hiện nghĩa vụ trả nợ nên ngân hàng khởi kiện ra tòa án buộc mẹ - con SBIC phải trả nợ gốc và lãi. Trường hợp hai công ty không thực hiện trả nợ, ngân hàng xử lý các tài sản bảo đảm. Tòa sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ngân hàng. Sau đó, SBIC kháng cáo.

Quá trình tố tụng, SBIC thừa nhận việc ký kết các hợp đồng tín dụng, bảo lãnh và thế chấp. Tuy nhiên, Công ty đề nghị áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng tín dụng năm 2003. SBIC cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện. Công ty chỉ chấp nhận trả nợ vay của hợp đồng bảo lãnh, không đồng ý trả nợ hợp đồng tín dụng năm 2003.

Theo SBIC, công ty đã ủy quyền cho Công ty Cái Lân nhận giải ngân theo hợp đồng tín dụng.

Ngân hàng bác bỏ quan điểm trên với lý do, ngân hàng không có văn bản thể hiện sự đồng ý về việc chuyển giao nghĩa vụ trả nợ từ SBIC sang Công ty Cái Lân. Ngoài ra, các bên có nhiều lần làm việc về khoản vay trên nên thời hiệu khởi kiện vẫn còn.

Được biết, đối với hợp đồng bảo lãnh vay vốn nước ngoài, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã nhận hoán đổi với Agribank số tiền 3,6 triệu USD, tương đương 76,8 tỷ đồng và nhận một phần tài sản bảo đảm (chiếm 11,59% giá trị tài sản thế chấp – tương đương 95 tỷ đồng). DATC có yêu cầu độc lập, đề nghị tòa án buộc SBIC phải trả nợ số tiền mà DATC đã nhận cơ cấu lại là 38,6 tỷ đồng.

Quá trình tố tụng cho thấy, ngoài vay vốn Agribank, vào năm 2005 - 2006, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Cái Lân còn có 2 lần vay vốn Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy - VSFC số tiền 300 tỷ đồng.

Phán quyết của tòa án

Tòa phúc thẩm không chấp nhận đơn kháng cáo của SBIC. Tòa án tuyên buộc SBIC phải thanh toán cho Agribank theo hợp đồng tín dụng năm 2013 số tiền 219 tỷ đồng và hợp đồng bảo lãnh là 588 tỷ đồng. Buộc Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân phải trả Agribank 84 tỷ đồng; trả cho Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy 2 hợp đồng là hơn 600 tỷ đồng.

Ngoài ra, tòa buộc SBIC phải trả cho DATC số tiền 38,6 tỷ đồng.

Kể từ khi bản án có hiệu lực nếu các bên có yêu cầu cơ quan thi hành án xử lý tài sản thế chấp thì xử lý theo Điều 308 Bộ luật Dân sự. Cụ thể:

Đối với dây chuyền thiết bị nhà máy điện diesel sẽ ưu tiên thanh toán trước cho ngân hàng và DATC. Còn VSFC có quyền ưu tiên thanh toán sau.

Còn VSFC có quyền ưu tiên thanh toán trước với 4 hạng mục tài sản gồm thiết bị cho hệ thống cứu hỏa, thiết bị an toàn van và thiết bị phun bọt cứu hỏa, bảng điều khiển tự động ngắt điện báo cháy và kho dầu FO.

Tin bài liên quan