Công ty này cho biết, việc đảm bảo chất lượng thông tin, báo chí là ưu tiên hàng đầu của mạng xã hội mở khi cung cấp thông tin và trao quyền cho người sử dụng.
Đây cũng là lý do Facebook đã đầu tư 600 triệu USD vào lĩnh vực tin tức và sẽ tiếp tục rót thêm 1 tỷ USD nữa trong vòng 3 năm tiếp theo.
Để chuẩn bị cho kế hoạch, mạng xã hội với hơn 2,7 tỷ người dùng, đang tích cực đàm phán với các hãng tin tức nổi tiếng ở Đức và Pháp về vấn đề trả tiền cho các nội dung được đăng tải trên nền tảng của mình, nơi người dùng có thể tiếp xúc gián tiếp bên cạnh những tin tức được cá nhân hóa.
Trước đó, để phán đối Quốc hội Úc thông qua dự luật Quy tắc thương lượng truyền thông, yêu cầu các hãng công nghệ sẽ phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Úc khi chia sẻ tin tức trên nền tảng của mình, Facebook đã chặn quyền đọc và chia sẻ tin tức từ hơn 17 triệu người dân nước này. Động thái của Facebook đã vấp phải làn sóng chỉ trích và tẩy chay rất lớn từ khắp nơi trên thế giới.
Đến ngày 23/2, sau cuộc đàm phán giữa Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg và Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg, một thỏa thuận mang tính nhượng bộ đã được ký kết và Úc dự kiến sẽ quay trở lại trang mạng xã hội trong một vài ngày tới.
Quốc hội Úc sau đó đã thông qua dự luật vào thứ Tư (24/2), yêu cầu những nền tảng kỹ thuật số như Facebook và Google sẽ phải tiền cho các cơ quan báo chí, hãng tin ở Úc khi đăng tải và chia sẻ nội dung.
Năm ngoái, gã khổng lồ công nghệ Google cũng đã phải chi 1 tỷ USD vào cùng lĩnh vực tin tức sau khi bị chính phủ nhiều quốc gia giám sát kỹ lưỡng đến mô hình kinh doanh cùng với việc tràn lan thông tin sai lệch trên các nền tảng của mình.