Sau QE, tương lai Eurozone liệu có sáng hơn?

Sau QE, tương lai Eurozone liệu có sáng hơn?

(ĐTCK) “Cải cách cấu trúc”, một số chính trị gia châu Âu hy vọng không bao giờ phải nghe cụm từ đó sau chương trình nới lỏng định lượng (QE) khổng lồ trị giá hơn 1.000 tỷ euro của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). 

Tuy nhiên, có thể họ sẽ phải nghĩ lại và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) còn rất nhiều việc phải làm, cho dù ECB đã nỗ lực để kéo kinh tế khu vực thoát khỏi tình trạng trì trệ và tránh nguy cơ giảm phát.

Sau khi ECB tung ra chương trình mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp trị giá 60 tỷ euro/tháng (70 tỷ USD/tháng) từ tháng 3/2015 đến tháng 9/2016 trong nỗ lực đối phó với tình trạng giảm phát và tăng trưởng yếu, trái bóng cơ hội được chuyền trở lại cho các chính trị gia Eurozone, với trọng tâm là thúc đẩy triển vọng tăng trưởng của khối. Người đứng đầu Diễn đàn Các bộ trưởng tài chính Eurozone, Jeroen Dijsselbloem cho biết: “Các chính trị gia cần tiên phong trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở cửa thị trường và tạo điều kiện để thị trường lao động trở nên linh hoạt hơn”.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, chính phản ứng chậm của các chính phủ trong việc triển khai các cải cách dài hạn trong một số lĩnh vực như tuyển dụng và sa thải, đầu tư và chi tiêu đã khiến châu Âu vật lộn phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone từ 1,3% xuống còn 1,2% trong năm 2015.

Phó tổng giám đốc IMF, Zhu Min cho rằng: “Chúng ta không nên nhấn mạnh quá mức về các gói kích thích tiền tệ. Đó không chỉ là cuộc chơi trong khu vực, mà hơn hết đầu tư và cải cách cấu trúc cần được chú trọng. Các gói kích thích sẽ xây dựng không gian cho những cải cách đó”.

Bản thân Chủ tịch ECB Mario Draghi sau tuyên bố bơm tiền cho chương trình QE cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết cải cách cấu trúc kinh tế để khuyến khích đầu tư. Nếu so sánh tổng mức đầu tư trong khu vực Eurozone với năm 2007, con số này thậm chí còn bị giảm 5%. Vì thế, chương trình QE của ECB cần được coi như một sáng kiến thúc đẩy cải cách hơn nữa tại châu Âu.

Tuy nhiên, ngay cả trước khi ECB tung ra QE thì chương trình này đã nhận được những tranh cãi trái chiều xung quanh tính hiệu quả thực sự của nó. Các thị trường chứng khoán chủ chốt toàn cầu từ châu Âu cho đến Mỹ đều đồng loạt tăng điểm như một sự phản ứng tích cực về QE. Nhà kinh tế Pháp Benoit Coeuro, thành viên ban điều hành ECB kể từ năm 2011 phát biểu: “Chương trình này đã đáp ứng được những kỳ vọng của thị trường. Nó sẽ phát huy hiệu quả vì quy mô lớn và mạnh mẽ của mình”.

Ông Coeure thừa nhận rằng, bản thân nội bộ ECB cũng tồn tại những chia rẽ về chương trình QE thời gian qua, khi một số người cho rằng điều đó là quá sớm, trong khi số khác lại nghĩ rằng QE lúc này đã quá muộn. Tuy nhiên, cuối cùng thì ECB đã đạt được thống nhất đa số với quyết định tung ra QE ngay trong cuộc họp ngày 22/1.

Luồng phản đối QE chủ yếu đến từ Jens Weidmann, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) với quan điểm cho rằng QE sẽ khiến các quốc gia đạt được mục tiêu tăng trưởng mà không cần đưa ra các cải cách cần thiết cho nền kinh tế của mình.

“Đây không phải là chuyện của nước Đức, cũng không phải là chuyện của riêng châu Âu. Chúng ta có chính sách tiền tệ song không có một liên minh tài khóa cần thiết”, Jens Weidmann nói.

Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư, tỷ phú George Soros thì cho rằng, chương trình QE của ECB sẽ tạo ra các bong bóng trên thị trường tài sản của khu vực. Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sỹ), ông Soros nói: “Mối lo ngại chính của tôi là gói QE sẽ tiếp tục tạo ra cách biệt giàu - nghèo lớn hơn nữa, đặc biệt đối với những người sở hữu nhiều tài sản. Quy mô và thời gian của kế hoạch bơm tiền khổng lồ này rõ ràng có những tác động rất lớn tới các thị trường tiền tệ quốc tế. Eurozone thực sự cần một sự cân bằng giữa chính sách tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng”. 

Tin bài liên quan