Sau phút ngẫu hứng, giới đầu tư thận trọng trở lại

Sau phút ngẫu hứng, giới đầu tư thận trọng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau hai phiên liên tiếp tăng điểm, tâm lý thận trọng quay lại phố Wall trong phiên ngày thứ Năm (21/1).

Đầu ngày thứ Năm, thị trường đón nhận báo cáo thất nghiệp do Bộ Lao động Mỹ công bố. Số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới giảm xuống còn 900.000 người vào tuần trước, thấp hơn so với dự báo trước đó là 950.000 người, nhưng vẫn ở mức cao.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như Alphabet, Apple, Amazon tăng mạnh trước thềm công bố kết quả kinh doanh quý IV/2020 trong những tuần tới. Chuyên gia phân tích hàng đầu Katy Huberty từ Morgan Stanley dự báo kết quả kinh doanh quý IV của Apple sẽ đạt kỷ lục mới.

Với định giá gần đỉnh 20 năm, kết quả kinh doanh của các công ty có thể là bài kiểm tra quan trọng để xác định đợt tăng giá của thị trường có đang chạy trước các yếu tố cơ bản hay không.

Lợi nhuận các công ty S&P 500 dự báo tăng 24% trong năm 2021 sau khi giảm 15% trong năm 2020, theo số liệu từ Refinitiv tính đến ngày 15/1.

Mặt khác, hôm thứ Tư (20/1), Mỹ ghi nhận ít nhất 184.453 ca nhiễm Covid-19 mới, 4.357 ca tử vong, theo New York Times. Số ca tử vong tại Mỹ đã lên tới 46.162 người, tương đương 1/5 tổng số ca tử vong trên toàn cầu.

Trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục ký thêm 10 sắc lệnh hạnh động siết chặt các biện pháp chống dịch, ngoài 15 sắc lệnh đã ký một ngày trước đó sau lễ nhậm chức. Ngoài yêu cầu tất cả người nhập cảnh bằng máy bay phải cách ly, ông Biden cũng ra lệnh đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông xuyên liên bang.

Về dữ liệu kinh tế khác, Cục điều tra dân số Mỹ hôm thứ Năm cho biết, có 1,67 triệu ngôi nhà đã được khởi công xây dựng tại Mỹ trong tháng 12, tăng 5,8% so với con số của tháng trước. Chỉ số sản xuất của Fed Philadelphia đã tăng lên 26,5 trong tháng 1 từ mức 9,1 trong tháng trước đó.

Kết thúc phiên 21/1, chỉ số Dow Jones giảm 12,37 điểm (-0,04%), xuống 31.756,01 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,22, điểm (+0,03%), lên 3.853,07 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 73,67 điểm (+0,55%), lên 13.530,92 điểm.

Chứng khoán châu Âu lao dốc trong phiên ngày thứ Năm sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố vẫn giữ vững chính sách tiền tệ của mình nhưng cảnh báo làn sống gia tăng lây nhiễm Covid-19 gây cản trở đà phục hồi kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Kết thúc phiên 21/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 24,97 điểm (-0,37%), xuống 6.715,42 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 14,70 điểm (-0,11%), xuống 13.906,67 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 37,65 điểm (-0,67%), xuống 5.590,79 điểm.

Tại châu Á, phiên ngày thứ Năm, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm sau khi nhận hiệu ứng tích cực trong phiên đêm trước đó từ phố Wall, cùng sự lạc quan của nhà đầu tư về mùa báo cáo kết quả kinh doanh.

Chứng khoán Trung Quốc tăng theo chân các thị trường châu Á khác với hy vọng có thêm nhiều gói kích thích kinh tế hơn từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ trước động thái chốt lời của các nhà đầu tư Đại lục chốt lời sau 5 phiên liên tiếp tăng điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng tốt nhờ dữ liệu thương mại lạc quan trong nước thúc đẩy tâm lý thị trường. Xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng với tốc độ nhanh trong 20 ngày đầu tháng 1 nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ các đối tác thương mại lớn với đóng góp lớn từ doanh số bán chip, ô tô và thiết bị di động quan trọng.

Kết thúc phiên 21/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 233,60 điểm (+0,82%), lên 28.756,86 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 38,17 điểm (+1,07%), lên 3.612,26 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 34,71 điểm (-0,12%), xuống 29.927,76 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 46,29 điểm (+1,49%), lên 3.160,84 điểm.

Giá vàng đóng cửa giảm nhẹ sau phiên giao dịch ngày thứ Năm đầy biến động. Thị trường kỳ vọng về các gói cứu trợ kinh tế ngày càng sáng sủa hơn khi Tổng thống đắc Joe Biden sắp nhậm chức, song vẫn thận trọng trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường và hiệu quả vắc-xin vẫn là dấu hỏi lớn.

Kết thúc phiên 21/1, giá vàng giao ngay giảm 2,00 USD (-0,11%), xuống 1.870,00 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 0,60 USD (-0,03%), xuống 1.865,90 USD/ounce.

Giá dầu ổn định vào thứ Năm bất chấp dữ liệu mới nhất cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng bất ngờ 2,6 triệu thùng trong tuần trước. Trước đó, các nhà phân tích dự báo con số này sẽ giảm 1,2 triệu thùng.

Trong khi đó, các ca nhiễm Covid-19 mới tiếp tục gia tăng tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Bắc Kinh có kế hoạch áp đặt lệnh kiểm tra nghiêm ngặt trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khi hàng chục triệu người dự kiến ​​sẽ đi du lịch, vì nước này phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020.

Kết thúc phiên 21/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,18 USD (-0,3%), xuống 53,13 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,2 USD (+0,03%), lên 56,10 USD/thùng.

Tin bài liên quan