Lo lắng về suy thoái kinh tế khi đường cong lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đảo ngược (loại kỳ hạn 2 năm cao hơn kỳ hạn 10 năm), giới đầu tư đã ồ ạt bán tháo trong phiên thứ Tư tuần trước, kéo các thị trường lao dốc không phanh. Tuy nhiên, sau đó, phố Wall đã có liên tiếp 3 phiên tăng điểm để bù đắp hết thiệt hại của phiên lao dốc này nhờ các gói kích thích kinh tế của Đức và Trung Quốc, trong khi đường cong lãi suất trở lại bình thường.
Tuy nhiên, trong phiên thứ Ba, phố Wall đã đảo chiều giảm trở lại do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu tài chính khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed, Jerome Powell vào thứ Sáu này trong hội nghị của các ngân hàng trung ương tại Jackson Hole để có thêm manh mối về tiến trình chính sách tiền tệ và lãi suất. Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang đợi thông tin từ biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed sẽ được công bố vào thứ Tư (21/8).
Kết thúc phiên 20/8, chỉ số Dow Jones giảm 173,35 điểm (-0,66%), xuống 25.962,44 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 23,14 điểm (-0,79%), xuống 2.900,51 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 54,25 điểm (-0,68%), xuống 7.948,56 điểm.
Tương tự, sau 2 phiên tăng ấn tượng nhờ các thông tin kích thích kinh tế, chứng khoán châu Âu cũng đã điều chỉnh trở lại trong phiên thứ Năm khi giới đầu tư thận trọng chờ thông tin thêm từ các ngân hàng trung ương, cũng như căng thẳng chính trị tại Ý.
Kết thúc phiên 20/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 64,65 điểm (-0,90%), xuống 7.125,00 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 64,19 điểm (-0,55%), xuống 11.651,18 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 26,91 điểm (-0,50%), xuống 5.344,64 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với thông tin Mỹ tiếp tục gia hạn 90 ngày cho Huawei được mua các thiết bị của Mỹ, thì chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông lại đảo chiều giảm nhẹ khi nhà đầu tư chùn tay sau 2 phiên tăng mạnh trước đó.
Kết thúc phiên 20/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 144,06 điểm (+0,55%), lên 20.677,22 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 3,09 điểm (-0,11%), xuống 2.880,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 60,30 điểm (-0,23%), xuống 26.231,54 điểm.
Sau phiên giảm mạnh đầu tuần do sự khởi sắc của thị trường chứng khoán, giá vàng đã đảo chiều hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba khi nỗi lo về suy giảm kinh tế và địa chính trị trở lại, giúp tăng vị thế trú ẩn an toàn của kim loại quý. Ngoài ra, đồng USD giảm cũng góp phần hỗ trợ cho đà hồi phục của giá vàng.
Kết thúc phiên 20/8, giá vàng giao ngay tăng 11,7 USD (+0,78%), lên 1.506,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 4,1 USD (+0,27%), lên 1.515,7 USD/ounce.
Giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng khi giới đầu tư kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế của các nền kinh tế lớn, bù đắp cho dự báo nhu cầu sụt giảm trước đó. Tuy nhiên, mức tăng chỉ còn ở mức khiêm tốn.
Kết thúc phiên 20/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,13 USD (+0,23%), lên 56,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,29 USD (+0,48%), lên 60,03 USD/thùng.