Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tham dự và nêu 6 nhiệm vụ cho ngành chứng khoán năm 2021
Chứng khoán Việt Nam phục hồi tốt nhất thế giới, thị trường cổ phiếu tương đương 84% GDP
Sáng ngày 4/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tham dự và đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2021 của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Nhìn lại diễn biến của thị trường chứng khoán trong năm 2020 vừa qua, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán Việt Nam được ghi nhận là một trong những nơi có mức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới.
“Vào thời điểm đầu năm khi đại dịch bắt đầu bùng phát, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có thời điểm giảm khá sâu, các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ròng nhưng sau đó đã ổn định và lấy lại đà phục hồi bền vững đặc biệt trong những giai đoạn cuối năm 2020”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.
Ngoài việc các chỉ số chứng khoán tăng điểm, điểm nổi bật của thị trường chứng khoán năm 2020 được Bộ trưởng nhấn mạnh là sự tăng trưởng đột phá của thanh khoản thị trường cổ phiếu, đạt bình quân 7.000 tỷ đồng/phiên. Trong đó, tháng 11 và 12 đạt mức bình quân 10.000 và 14.800 tỷ đồng/phiên.
Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đã đạt 84,3% GDP năm 2020. Thị trường trái phiếu và phái sinh cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, thị trường trái phiếu Chính phủ đã huy động 330.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, tăng 64% so với năm 2019 với kỳ hạn bình quân nhích lên 13,94 năm. Lãi suất huy động giảm từ 4,31% xuống 2,83%, qua đó Bộ Tài chính tiếp tục tái cơ cấu danh mục trái phiếu Chính phủ theo hướng bền vững với kỳ hạn bình quân giảm còn 8,35 năm.
Quy mô huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp 400.000 tỷ đồng, bằng 14,7% GDP. Tổng mức huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 384.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ trưởng đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của Ủy ban chứng khoán Nhà nước cùng hai sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, các doanh nghiệp niêm yết, thành viên thị trường và đặc biệt là đông đảo công chúng đầu tư đã chung sức, chung lòng kiên đinh, quyết tâm giữ thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động không ngừng nghỉ, đưa thị trường vượt qua khó khăn trong năm 2020.
Sáu nhiệm vụ cho năm 2021 của ngành chứng khoán
Đánh giá về thị trường chứng khoán năm 2021, Bộ trưởng tin tưởng kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước vận hội mới. Trong đó, với việc Đại hội đảng bộ lần thứ 13 khia mạc trong một vài ngày tới, nhiều văn kiện quan trọng về chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm sẽ được thông qua. Trên cơ sở này, Chính phủ sẽ ban hành chiến lược, giải pháp thực thi hiệu quả ngay từ đầu năm.
Cùng đó, năm 2021 cũng là năm mà Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán sẽ bắt đầu có hiệu lực tạo khung khổ pháp ký và môi trường đầu tư đồng bộ hơn cho hoạt động của doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư, đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển bền vững.
Sáu nhiệm vụ trọng tâm đã được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đặt ra cho ngành chứng khoán.
Thứ nhất, tập trung nỗ lực đưa quy định chính sách mới vào cuộc sống để hỗ trợ doanh nghiệp phát hành, huy động vốn và bảo về quyền lợi nhà đuầ tư, thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh.
Thứ hai, đẩy nhanh cơ cấu thị trường chứng khoán theo Đề án đã phê duyệt. Cùng với việc hoàn thiện cơ cấu bộ máy, xây dựng lại thị trường cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh theo hướng chuyên môn hóa, tiếp tục tái cơ cấu hệ thống các định chế rung gian
Thứ ba, đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động đồng bộ. Đây cũng là cơ sở để tiếp tục đưa ra các sản phẩm mới vào thị trường.
Thứ tư, thực hiện giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn DNNN gắn với niêm yết, đẩy mạnh tăng quy mô và chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán, thúc đẩyquy mô và thanh khoản thị trường.
Thứ năm, tăng cường giám sát, nâng cao hieuejq ủa quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương kỷ luật của thị trường để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của doanh nghiệp.
Cuối cùng, xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030 để định hình mục tiêu giải pháp phát triển thị trường chứng khoán dài hạn.
Nhận nhiệm vụ trên, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước khẳng định và hứa với bộ trưởng và thị trường, nỗ lực hơn nữa để thảo luận, bàn bạc đưa ra chương trình hành động ngay từ đầu năm trong năm đặc biệt khi Luật Chứng khoán mới chính thức có hiệu lực.