Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận.
Chiều 22/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét Kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.
Phó trưởng Đoàn giám sát, Trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, mục đích cơ bản của giám sát là xem xét, theo dõi, đánh giá toàn diện, khách quan việc thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật của các đối tượng chịu sự giám sát và một số cơ quan có liên quan.
Cuộc giám sát còn nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, nhất là người đứng đầu cơ quan chịu sự giám sát trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao năng lực, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là lĩnh vực đất đai và một số lĩnh vực được dư luận, đại biểu Quốc hội quan tâm, nhằm tránh và hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý các cơ quan, cá nhân có vi phạm.
Nội dung giám sát tập trung vào 4 nhóm chính, trong đó có đánh giá kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm trong thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các tồn tại, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân; xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.
Cũng nằm trong nội dung giám sát lần này còn có các giải pháp hoàn thiện thể chế, pháp luật về hình thức như: Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các Bộ luật tố tụng: dân sự, hình sự, hành chính và các quy định của pháp luật chuyên ngành, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…; kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và công tác giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử.
Đây là chuyên đề quan trọng, liên quan đến các cơ quan cả hành pháp, tư pháp và lập pháp, được nhân dân quan tâm, kỳ vọng, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh trong phát biểu kết luận.
Ông Phương cũng nhắc lại các yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội trước đó, là lần giám sát này phải trả lời được câu hỏi vì sao khiếu nại tố cáo còn diễn biến phức tạp. Qua giám sát, kiến nghị giải pháp để tạo chuyển biến căn bản trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là với các vụ việc nổi cộm, kéo dài thời gian qua.
Trước đó, tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cần phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trên 70% liên quan đến đất đai.
Chỗ nào vướng cơ chế chính sách, đâu là yếu kém trong tổ chức thực hiện cần chỉ rõ, đồng thời chỉ cho được chỗ nào làm tốt, chỗ nào chưa làm tốt, kiến nghị Quốc hội, Thường vụ Quốc hội để có ràng buộc trách nhiệm và thời hạn cụ thể giải quyết các vu việc phức tạp kéo dài, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.