Sau “đại phẫu”, Agribank bắt đầu trở lại đường đua

Sau “đại phẫu”, Agribank bắt đầu trở lại đường đua

(ĐTCK) Sau khi tái cơ cấu toàn diện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã bước sang một giai đoạn phát triển mới. Ngân hàng kỳ vọng sẽ mạnh hơn khi Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp.

Song, để có thể tận dụng tốt cơ hội này, năng lực tài chính của Agribank cũng phải được nâng cao một bước và cổ phần hóa là một giải pháp. Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank đã chia sẻ như vậy với Đầu tư Chứng khoán trước thềm năm mới Đinh Dậu 2017.

Đâu là điểm nhấn trong hoạt động của Agribank năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Đề án Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020 sau khi tái cơ cấu thành công, thưa bà?

Năm 2016, Agribank đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu tái cơ cấu giai đoạn 2013 - 2015 và bắt đầu chuyển sang thực hiện Đề án chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020. Lợi nhuận của Ngân hàng đã quay trở lại, với 4.000 tỷ đồng trong năm qua.

Nếu chỉ nhìn qua con số lợi nhuận so sánh với tổng tài sản, dư nợ cho vay và cả vốn huy động, sẽ có ý kiến rằng có thể chưa phù hợp, nhưng đây là kết quả của một năm nỗ lực, phấn đấu đóng góp của Agribank đối với nền kinh tế trên nền tảng địa bàn hoạt động khó khăn, tín dụng nửa thương mại nửa chính sách...

Chúng ta đều biết, Agribank hoạt động chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, đối tượng cho vay của ngân hàng nhỏ lẻ nên chi phí món vay lớn, trong khi rủi ro cao do sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu. Ngân hàng còn phải thực hiện hỗ trợ lãi suất 7%/năm đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng còn chủ động đưa ra những chương trình tín dụng ưu đãi điển hình như nông nghiệp sạch, hay các gói tín dụng hỗ trợ khác với lãi suất 5%/năm...Vì vậy, hiệu quả hoạt động của Agribank không chỉ ở con số lợi nhuận Ngân hàng đạt được, mà cao hơn là việc đảm bảo cung ứng tín dụng đến địa bàn nông thôn, góp phần hạn chế tín dụng đen, thúc đẩy lưu thông tiền tệ, phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn. Trong nhiều năm liên tục, Agribank được bình chọn là Doanh nghiệp vì cộng đồng và luôn là ngân hàng của bà con nông dân.

Hơn nữa, việc duy trì mức lợi nhuận 4.000 tỷ đồng cũng đồng nghĩa với việc “chịu đau” để xử lý tồn tại của Ngân hàng, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hy sinh lợi ích ngắn hạn cho mục đích dài hạn, thực hiện trích lập dự phòng rủi ro.

 Bà Nguyễn Thị Phượng

Agribank sẽ đặt mục tiêu vươn xa hơn trong năm 2017, thưa bà?

Agribank xác định năm 2017 là năm có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình thực hiện Đề án chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và chuẩn bị cho cổ phần hóa khi đủ điều kiện.

Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố nền tảng tài chính, quản trị, tăng trưởng quy mô hoạt động gắn với nâng cao chất lượng quản trị rủi ro, đảm bảo hiệu quả, an toàn hoạt động, giữ vững vai trò chủ lực trên thị trường tài chính, tín dụng nông nghiệp - nông thôn.

Theo đó, một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh cơ bản năm 2017 đã được Ban lãnh đạo thông qua là nguồn vốn và dư nợ tín dụng tăng trưởng từ 14 -18%; tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn khoảng 70%; thu dịch vụ tăng 20%; lợi nhuận tăng tối thiểu 10%...

Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về kế hoạch cổ phần hóa Ngân hàng?

Agribank là Ngân hàng do Nhà nước sở hữu 100% vốn, việc tăng vốn điều lệ phụ thuộc vào Ngân sách Nhà nước, nhưng trong điều kiện khó khăn cân đối ngân sách, đây là bài toán khó giải quyết.

Trước đây, Agribank là ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ trong toàn ngành, tuy nhiên, sau khi các ngân hàng khác cổ phần hóa, Agribank lại tụt xuống đứng hàng cuối trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước.

Điều này ảnh hưởng đến việc tuân thủ các tỷ lệ an toàn hoạt động, kết quả xếp hạng, khả năng huy động vốn từ các quỹ trong, ngoài nước và triển khai các hoạt động kinh doanh khác năng động, hiệu quả hơn.

Để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của pháp luật và hướng tới các thông lệ quốc tế, Agribank đang trình Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Chính phủ phê duyệt đề án tăng vốn điều lệ và xây dựng phương án cổ phần hoá trong giai đoạn 2017 - 2020, phù hợp với Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời gian chờ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, chỉ đạo, Agribank đã và đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện Đề án Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với một số nhiệm vụ chủ yếu được xác định như sau:

Một là tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc. Khẩn trương xử lý thu hồi các khoản nợ xấu đã được giải quyết trong các năm trước, đảm bảo lành mạnh, công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hai là triển khai phương án kinh doanh, phương án nâng cao năng lực tài chính, phương án áp dụng tiêu chuẩn Basel II... theo lộ trình được Chính phủ, NHNN phê duyệt, hướng tới mục tiêu xây dựng Agribank thành ngân hàng thương mại lớn mạnh hàng đầu tại Việt Nam cả về quy mô, khả năng tài chính, năng lực quản trị điều hành, hoạt động kinh doanh đảm bảo an toàn, hiệu quả, bền vững, có giá trị, uy tín và thương hiệu cao trên thị trường.

Ba là thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng thực hiện phương án cổ phần hoá ngay sau khi được phê duyệt, trong đó có việc thuê tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và các thủ tục cần thiết khác. Việc minh bạch hoá, cung cấp các thông tin hoạt động, báo cáo tài chính... được ban lãnh đạo đặc biệt quan tâm nhằm tăng cường niềm tin, thu hút các nhà đầu tư khi thực hiện cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp với điều kiện thị trường.

Agribank mong muốn sớm được Chính phủ, NHNN và Bộ Tài chính phê duyệt phương án để triển khai thực hiện cổ phần hoá thành công, tăng năng lực cho vay, tiếp tục công cuộc phục vụ, phát triển nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Trước thềm năm mới, bà có thể chia sẻ dự cảm về triển vọng của ngành ngân hàng nói chung và ngân hàng dành cho khu vực đặc thù tam nông như Agribank nói riêng?

Năm 2017, tình hình kinh tế, chính trị thế giới được dự báo diễn biến khó lường từ các khu vực tài chính như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc... Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể vẫn duy trì ở mức thấp; sự thay đổi, cải tiến nhanh chóng của công nghệ dẫn đến dần thay đổi phương thức, mô hình kinh doanh; quá trình biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn sẽ tác động không thuận lợi đến tăng trưởng kinh tế trong nước, xuất khẩu, kiểm soát lạm phát và thị trường ngoại tệ trong nước.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có những thuận lợi riêng. Đó là dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước ổn định; Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, tạo cơ hội cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và hệ thống ngân hàng, tạo động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong lĩnh vực tam nông, Chính phủ đang triển khai mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, việc chuyển đổi dần mô hình sản xuất nông nghiệp sẽ tạo cơ hội cho các ngân hàng có kinh nghiệm, truyền thống đầu tư vào nông nghiệp - nông dân như Agribank. Tất cả hướng tới mục tiêu sử dụng nguồn vốn để đầu tư, kiểm soát nguồn vốn cho vay ngày càng hiệu quả hơn.

Ngoài ra, để Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công cần giảm chi phí, tăng cường quản trị rủi ro, năng suất lao động đồng nghĩa với việc giảm chi phí về con người.

Hay như Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Chính phủ phê duyệt; trong đó có vấn đề phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn cũng được dự báo sẽ hỗ trợ giảm chi phí cho Agribank.

Tin bài liên quan